Thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 04/5/2023

Thứ tư - 10/05/2023 23:21
evn icon TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC VIỆT NAM

THÔNG TIN VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH
GIÁ BÁN LẺ ĐIỆN BÌNH QUÂN TỪ NGÀY 04/5/2023


Cơ sở điều chỉnh giá điện
Theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân thì giá bán điện bình quân được lập hàng năm trên cơ sở chi phí mua điện từ các đơn vị phát điện, chi phí và lợi nhuận định mức của các khâu truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện lực, chi phí dịch vụ phụ trợ hệ thống điện, chi phí quản lý chung của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đảm bảo khả năng vận hành, cung ứng điện và đáp ứng nhu cầu đầu tư theo kế hoạch do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành.

Chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện hàng năm của EVN đều được thực hiện kiểm toán bởi Công ty Delloite và báo cáo Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để kiểm tra, rà soát theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg. Các chi phí giá thành sản xuất kinh doanh điện được Đoàn kiểm tra liên ngành (gồm đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Điện lực Việt Nam) kiểm tra và được Bộ Công Thương công bố công khai, làm cơ sở để lập phương án giá điện. Theo quy định tại khoản 4 Điều 3 tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg khi các thông số đầu vào theo quy định biến động làm giá bán điện bình quân tăng từ 3% trở lên so với giá bán điện bình quân hiện hành thì giá điện được phép điều chỉnh tăng.

Ngày 31/3/2023, Bộ Công Thương đã công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và 2022 của EVN theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg. Kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2021 và năm 2022 của EVN cho thấy giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2022 là 2.032,26 đ/kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Năm 2023 theo tính toán, do giá nhiên liệu tiếp tục tăng cao nên giá thành điện năm 2023 có thể cao hơn năm 2022.

Căn cứ văn bản số 304/BCT-ĐTĐL ngày 27/4/2023 của Bộ Công Thương; để đảm bảo ảnh hưởng tối thiểu đến nền kinh tế và đời sống người dân, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 04 tháng 5 năm 2023. Mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 3% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.

Việc EVN ban hành Quyết định số 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân được căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 5 của Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg: Trường hợp giá bán điện bình quân cần điều chỉnh tăng từ 3% đến dưới 5% so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, Tập đoàn Điện lực Việt Nam quyết định điều chỉnh tăng giá bán điện bình quân ở mức tương ứng.


Với mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.920,3732 đồng/kWh từ ngày 4/5/2023, Bộ Công Thương cũng đã có Quyết định số 1062/QĐ-BCT ngày 4/5/2023 quy định về giá bán điện, trong đó ban hành giá bán lẻ điện cho các nhóm khách hàng sử dụng điện và giá bán điện cho các đơn vị bán lẻ điện.

Đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá điện ở mức 3%

Số liệu thống kê về số lượng và tỷ trọng các hộ tiêu thụ điện như bảng sau:
 Mức tiêu thụ điện
(kWh/ tháng)
 Số lượng hộ Tỷ trọng (%) Sản lượng tiêu thụ BQ tháng/hộ (kWh)
50 3.339.681 11,98%        24,78
51-100 4.700.110 16,85%        77,65
101-200 10.043.674 36,01%      147,28
201-300    4.966.422 17,81%      244,45
301-400 2.217.195 7,95%      345,14
401-700 1.965.890 7,05%      508,47
701 trở lên   655.577 2,35%   1.142,40
Tổng 27.888.548 100%      202,77
Tác động của việc điều chỉnh giá điện đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ phụ thuộc vào nhu cầu sử dụng điện và tỷ lệ sử dụng điện trong tổng chi phí giá thành của doanh nghiệp. Theo số liệu năm 2022 cho thấy:

   - Có 528 nghìn khách hàng kinh doanh dịch vụ, bình quân mỗi tháng khách hàng kinh doanh trả tiền điện 5,3 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 141.000 đồng/tháng;

   - Có 1,822 triệu hộ sản xuất, thì bình quân mỗi tháng mỗi hộ sản xuất trả tiền điện 10,6 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả thêm là 307.000 đồng/tháng.

   - Có 662 nghìn khách hàng hành chính sự nghiệp, bình quân mỗi tháng mỗi khách hàng hành chính sự nghiệp trả tiền điện 2,01 triệu đồng/tháng. Sau khi thay đổi giá mỗi tháng sẽ trả tăng thêm là 40.000 đồng/tháng;

   - Với nhóm khách hàng sinh hoạt:
  • Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 50 kWh/tháng là 2.500 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện dưới 50 kWh toàn quốc năm 2022 là 3,33 triệu hộ, chiếm 11,98% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).
  • Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 100 kWh/tháng là 5.100 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 51-100 kWh toàn quốc năm 2022 là 4,7 triệu hộ, chiếm 16,85% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).
  • Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 200 kWh/tháng là 11.100 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 101-200 kWh toàn quốc năm 2022 là 10,04 triệu hộ, chiếm 36,01% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt), đây là nhóm khách hàng đang chiếm tỷ trọng lớn nhất.
  • Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 300 kWh/tháng là 18.700 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 201-300 kWh toàn quốc năm 2022 là 4,96 triệu hộ, chiếm 17,81% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).
Tiền điện tăng thêm của hộ tiêu thụ 400 kWh/tháng là 27.200 đồng/hộ (số hộ sử dụng điện từ 301-400 kWh toàn quốc năm 2022 là 2,21 triệu hộ, chiếm 7,95% trong tổng số hộ sử dụng điện sinh hoạt).
tgtw
Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu giá bán lẻ điện bình quân điều chỉnh tăng 5% từ ngày 01/4/2023 thì sẽ tác động đến CPI là 0,17 (điểm phần trăm). Như vậy với mức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 3% từ ngày 04/5/2023 thì mức độ tác động đến CPI sẽ thấp hơn. Một số chuyên gia kinh tế cho rằng nếu tính tác động tới giá thành các ngành sản xuất dùng nhiều điện như sản xuất thép, xi măng, giấy thì giá thành thép tăng khoảng 0,18%, giá thành xi măng tăng khoảng 0,45% và giá thành sản xuất giấy tăng khoảng 0,4%.

Đối với EVN, theo tính toán sơ bộ, việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân 3% từ ngày 04/5/2023 dự kiến doanh thu của EVN tăng thêm trong năm 2023 (từ ngày 04/5 đến ngày 31/12/2023) là khoảng 8.000 tỷ đồng. So với những khó khăn về tài chính rất lớn của năm 2022 và 2023 do giá nhiên liệu đầu vào sản xuất điện tăng cao thì mức tăng doanh thu này chỉ bù đắp được một phần khó khăn về tài chính của EVN trong năm 2023.

Với những khó khăn lớn về tài chính từ năm 2022 trở lại đây, EVN đã chủ động thực hiện các biện pháp gì?

Bảng tổng hợp giá dầu và than nhập khẩu cho phát điện năm 2020 - 2022
 
STT Thông số đầu vào Đơn vị tính Bình quân năm 2020 Bình quân năm 2021 Bình quân năm 2022
1 Than nhập gbNewC  USD/tấn 60,3 137,3 362,8
2 Dầu thô Brent  USD/thùng 41,8 70,8 101,3
3 Dầu DO 0,05S  VNĐ/kg 13.182,80 16.620,50 25.489,80
4 Tỷ giá USD  VNĐ/USD 23.321,70 23.034,60 23.529,90

Trong hoàn cảnh khó khăn về tài chính từ năm 2022 đến nay, EVN đã chủ động quyết liệt thực hiện một số biện pháp tiết giảm chi phí như sau:

   - Ngay từ đầu năm 2022, Tập đoàn đã giao các đơn vị thực hiện tiết kiệm 10% chi phí định mức, chi phí thường xuyên và tiết giảm 20-30% chi phí sửa chữa lớn; chưa thực hiện sửa chữa lớn và giãn tiến độ đầu tư các công trình chưa thật sự cấp bách trong năm 2022 chuyển qua các năm sau. Các đơn vị trong toàn Tập đoàn đã nỗ lực thực hiện tiết kiệm, tiết giảm chi phí cao hơn mức kế hoạch được giao, góp phần giảm chi phí giá thành điện năm 2022. Tổng chi phí tiết kiệm, tiết giảm được do EVN đã chủ động thực hiện các biện pháp trong năm 2022 là 9.700 tỷ đồng. Tuy nhiên, do chi phí sản xuất điện tăng quá cao do giá nhiên liệu tăng đột biến thì phần chi phí tiết kiệm, tiết giảm được vẫn không bù đắp được chi phí sản xuất điện.

   - Trong năm 2023, do giá nhiên liệu tiếp tục duy trì ở mức cao và diễn biến bất lợi của tình hình thuỷ văn, EVN đã yêu cầu tiết kiệm chi phí định mức 15% các yếu tố thường xuyên và tiết kiệm, tiết giảm lên đến trên 50% chi phí sửa chữa lớn đối với các đơn vị thuộc EVN.

Trên đây là thông tin về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện từ ngày 4/5/2023 và một số thông tin liên quan tham khảo. Tập đoàn Điện lực Việt Nam xin trân trọng cám ơn và mong muốn luôn nhận được chia sẻ, quan tâm và hỗ trợ, giúp đỡ của các Cơ quan Thông tấn, báo chí đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, góp phần quan trọng giúp Tập đoàn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Đảng và Chính phủ giao phó./.
TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC VIỆT NAM
 
PHỤ LỤC
 
Giá điện Việt Nam hiện nay so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới đang ở mức nào ?
 
Giá điện một số nước trên thế giới vào tháng 9 năm 2022, theo đó giá điện trung bình của thế giới vào khoảng 0,17 USD/kWh, cao gấp  hơn 2 lần so với giá điện của Việt Nam. Trong đó giá của một số nước quanh khu vực như sau:
  Tên nước Giá điện sinh hoạt Giá cho doanh nghiệp
    USD/kWh VNĐ/kWh USD/kWh VNĐ/kWh
1 Hàn Quốc 0,101 2.388,1 0,099 2.340,9
2 Đài Loan 0,093 2.199,0 0,124 2.932,0
3 Indonesia 0,098 2.317,2 0,076 1.797,0
4 Thái Lan 0,124 2.932,0 0,122 2.884,7
5 Campuchia 0,148 3.499,5 - -
6 Hồng Kong 0,172 4.066,9 0,167 3.948,7
7 Philippines 0,176 4.161,5 0,149 3.523,1
8 Singapore 0,24 5.674,8 0,27 6.384,2
9 Nhật Bản 0,255 6.029,5 0,216 5.107,3
Các nước trong khu vực, như tại Thái Lan vừa tăng giá điện từ 4,72 baht/kWh (tương đương 3.276đ/kWh) lên 5,33 Baht/kWh (tương đương 3.699đ/kWh) từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2023, với mức tăng là 13%. Tại Nhật Bản, do chi phí mua sắm nhiên liệu tăng cao, 5 CTĐL (Tohoku Electric Power, Hokuriku Electric Power, Chugoku Electric Power, Shikoku Electric Power and Okinawa Electric Power ) đã nộp đơn xin Chính phủ phê duyệt tăng kế hoạch tăng giá điện sinh hoạt từ 28% đến 46% từ tháng 4/2023. Công ty Điện lực Tokyo Holdings (Tepco) đã nộp đơn xin tăng giá điện cho các hộ gia đình lên trung bình 29,31% kể từ tháng 6/2023. Hokkaido Electric Power áp dụng mức tăng trung bình khoảng 32%, từ tháng 6/2023. Ngoài ra, do biến động quá mạnh của giá nhiên liệu cho phát điện, còn nhiều Công ty Điện lực ở nhiều quốc gia khác ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ cũng đã phải tăng giá điện ở mức rất cao để cân bằng tài chính.

Tỷ lệ điện cho truyền tải và phân phối điện (tổn thất điện năng) của EVN hiện nay ở mức nào so với thế giới? Có phải tác động nhiều đến chi phí giá thành điện tăng cao hay không?

Trong nhiều năm gần đây, EVN đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện giảm tỷ lệ điện cho truyền tải và phân phối điện (tổn thất điện năng - TTĐN) là nhiệm vụ trọng tâm trong sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn. Số liệu TTĐN năm 2022 TTĐN của toàn Tập đoàn là 6,21%, trong đó TTĐN truyền tải là 2,54% và TTĐN phân phối là 3,67%.

Hiện nay, TTĐN trên lưới điện Việt Nam đang đứng thứ 2 trong khu vực ASEAN (chỉ sau Singapore có TTĐN khoảng 3%); ngang với Thailand (ở mức trong khoảng từ 5,96% đến 7,4% tùy khu vực); tốt hơn so với Malaysia 7,76% và tốt hơn Indonesia 8,74%.

Nếu so sánh TTĐN của Việt Nam với các nước trên thế giới: Theo một số số liệu thu thập từ trước 2018 (do số liệu gần đây chưa cập nhật được) TTĐN của Việt Nam đã thấp hơn một số nước phát triển như Liên bang Nga (10%), Vương quốc Anh (8,3%), Brazil (15%), Hongkong (12%), Hungary (12%), Rumani (10%), Tây Ban Nha 9,5%....

Như vậy có thể thấy TTĐN của EVN ở mức tương đối tốt, do đó đã góp phần giảm chi phí giá thành điện của EVN.

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây