Mục đích của Kế hoạch, thông qua các giải pháp triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (gọi tắt là Cuộc vận động) trong tình hình mới, góp phần khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc của người tiêu dùng Việt Nam trong sử dụng hàng Việt Nam; góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.
Đồng thời, phát huy vai trò của các doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần tự hảo, tự tôn dân tộc của người dân Việt Nam, xây dựng văn hóa sản xuất kinh doanh và tiêu dùng Việt Nam. Tạo sự thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến các địa phương về các nội dung Cuộc vận động theo Thông báo 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tập trung 5 trọng tâm
Theo Kế hoạch, Cuộc vận động sẽ tập trung vào 5 trọng tâm sau:
Một là, công tác tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động: Ban Chỉ đạo Trung ương và Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt, phổ biến sâu rộng Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trong tình hình mới; rà soát, bổ sung kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 26/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động trên các trụ cột: Đổi mới sáng tạo, đổi mới công nghệ; có cơ chế chính sách phù hợp với luật pháp quốc tế để kích thích sản xuất, tiêu dùng trong nước; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động cán bộ, đoàn viên, hội viên, người tiêu dùng ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt Nam, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.
Tuyên truyền, giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt chất lượng, những địa chỉ doanh nghiệp uy tín để người tiêu dùng có đầy đủ thông tin về sản phẩm hàng hóa, dịch vụ thương hiệu Việt trên thị trường. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của nhau; các cơ quan, đơn vị có sử ‘dụng ngân sách nhà nước ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam phù hợp với các cam kết quốc tế và luật pháp của Việt Nam.
Tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền để các doanh nghiệp hiểu đúng và nâng cao trách nhiệm thực hiện các hiệp định thương mại khu vực và quốc tế mà Việt Nam tham gia, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp Việt với hàng hóa nhập khẩu; đẩy mạnh tuyên truyền trách nhiệm của doanh nghiệp trong xây dựng và đăng ký thương hiệu hàng hóa, ứng dụng công nghệ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tổng hợp, giới thiệu những cách làm hay, gương điển hình thời gian qua chuẩn bị cho tổng kết 15 năm thực hiện Cuộc vận động. Chỉ đạo xây dựng chuyên trang, chuyên mục về Cuộc vận động để tuyên truyền trên trang thông tin điện tử, báo, đài, tạp chí của các cơ quan, đơn vị, kết hợp và mở rộng phạm vi thông tin, tuyên truyền trên các nền tảng số; nâng cao chất lượng các chương trình, đa dạng hóa nội dung và đổi mới hình thức tuyên truyền.
Hai là, rà soát các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh: Rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, trước hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp công nghệ số tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao; phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; ban hành chính sách cụ thể, phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chuyển đổi số và khai thác có hiệu quả các sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá giới thiệu sản phẩm, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng.
Nghiên cứu hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; chú trọng xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa, mở rộng thị trường và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.
Đẩy mạnh thực hiện Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam, Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Chương trình “Make in Việt Nam”, Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”...
Ba là, tổ chức tôn vinh, biểu dương, khen thưởng, tuyên dương doanh nghiệp tiêu biểu, bình chọn sản phẩm chất lượng: Các bộ, ngành, địa phương, đơn vị có hình thức phù hợp tôn vinh, biểu dương, khen thưởng các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được người Việt Nam tin dùng hoặc có nhiều thành tích trong thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Tổ chức các hình thức bình chọn sản phẩm chất lượng, sản phẩm được người tiêu dùng yêu thích, doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất kinh doanh và phân phối.
Bốn là, tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường; nâng cao hiệu quả công tác giám sát, kiểm tra: Các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát thị trưởng; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, vận chuyển, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, phát triển thị trường, xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, phân phối và tiêu dùng hàng Việt Nam; giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về mua sắm tài sản, hàng hóa của các cơ quan, đơn vị từ nguồn ngân sách nhà nước bảo đắm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của Cuộc vận động.
Năm là, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng: Thường xuyên thông tin về các thương hiệu quốc gia, các nhãn hiệu sản phẩm trên thị trường gắn với chương trình “Thương hiệu quốc gia Việt Nam”, “Mỗi xã, phường một sản phẩm”; tổ chức giới thiệu các sản phẩm ứng dụng khoa học công nghệ mới của các doanh nghiệp, làng nghề của địa phương.
Hội Bảo vệ người tiêu dùng tăng cường công tác thu thập thông tin của người tiêu dùng về hàng hóa trên thị trường và kịp thời thông tin với cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm bản quyền, nhãn hiệu, sản phẩm kém chất lượng...
Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong sản xuất, phân phối sản phẩm, chống hàng giả, hàng kém chất lượng (tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm)...
Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện Chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc
Cũng trong kế hoạch, Bộ Công Thương được giao trách nhiệm tiếp tục đẩy mạnh công tác triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (theo Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ); Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tổ chức triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và ứng dụng thương mại điện tử trong các hoạt động mua sắm hàng Việt Nam theo hình thức phù hợp với tình hình mới nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam tới các đối tác, doanh nghiệp trong và nước ngoài.
Tổ chức thực hiện Chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” năm 2023 và Tổ chức giải thưởng “Sản phẩm, dịch vụ Thương hiệu Việt tiêu biểu hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên hàng Việt Nam” lần thứ III”.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo trung ương Cuộc vận động, năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề hơn 3 năm liên tiếp của đại dịch Covid-19 và chịu sự tác động của thời tiết khắc nghiệt nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và sự phối hợp của chính quyền, các ban, bộ, ngành, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, cuộc vận động đã được triển khai đồng bộ, sâu rộng.
Cấp ủy các cấp đã thể hiện vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng trong thực hiện Cuộc vận động, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị thể hiện sự gương mẫu; Từng cấp, ngành đã có chương trình, kế hoạch và giải pháp thiết thực triển khai Cuộc vận động nên đã thu hút được sự quan tâm, đồng thuận, hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp.
Các đơn vị, doanh nghiệp đã hưởng ứng các nội dung Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thực hiện nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong triển khai thực hiện Cuộc vận động, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất, phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.
Trước hậu quả của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi linh hoạt phương thức sản xuất, kinh doanh, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm tạo sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Hàng hóa Việt Nam vẫn đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước; tạo việc làm cho người lao động; giữ vững và phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định thị trường...
Năm 2022, công tác tuyên truyền tiếp tục được các đơn vị triển khai thông qua hàng loạt các cơ quan báo chí trung ương và địa phương. Riêng Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động truyền thông trực tuyến cho Cuộc vận động, hỗ trợ doanh nghiệp Việt phát triển thương hiệu, đẩy mạnh hình ảnh của doanh nghiệp Việt trên môi trường trực tuyến. Các đơn vị cũng đẩy mạnh tổ chức các hội thảo, tọa đàm “Liên kết - hành động vì hàng Việt", “Liên doanh, liên kết, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam; tổ chức các chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích", "Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam”; “Tự hào thương hiệu Quốc gia"; Giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam”... đã có tác động làm lan tỏa sự ảnh hưởng của Cuộc vận động đến các tầng lớp nhân dân, cộng đồng các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Năm 2022, các đơn vị, địa phương tổ chức thành công nhiều chương trình, hội chợ, tuần hàng Việt giới thiệu, xúc tiến thương mại, điểm bán sản phẩm OCOP, điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam, Tinh hoa hàng Việt Nam”... đưa các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chất lượng của các doanh nghiệp, đơn vị trong nước đến người tiêu dùng theo tinh thần của Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương, giúp người tiêu dùng có cơ hội tiếp cận hàng hóa nội địa chất lượng đảm bảo, giá thành hợp lý trở thành điểm nhấn trong thực hiện Cuộc vận động.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành phố, Sở Công Thương các địa phương đã tổ chức và tiếp nhận theo dõi khoảng 300 đợt bán hàng Việt về nông thôn với khoảng 10.000 lượt doanh nghiệp tham gia, thu hút khoảng 60.000 nghìn lượt người tới tham quan mua sắm, doanh thu mang lại khoảng 20 tỷ đồng; đã tổ chức thực hiện, tiếp nhận theo dõi khoảng 200 hội chợ, triển lãm, doanh thu bán hàng khoảng hơn 300 tỷ đồng và 70.000 đợt khuyến mại với tổng giá trị khuyến mại là khoảng 800 tỷ đồng.
Về công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong phân phối, tiêu thụ hàng hóa, mở rộng thị trường; phát triển sản xuất, kinh doanh; bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều nhiệm vụ mới liên quan đến xây dựng và phát triển thương hiệu gồm tuyên truyền quảng bá thương hiệu ngành hàng, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận ở thị trường ngoài nước; đã hỗ trợ gần 4.000 doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước.
Bên cạnh đó, triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ ứng dụng thương mại điện tử, tiếp tục triển khai các chương trình hợp tác về thương mại điện tử xuyên biên giới với các đối tác là sàn thương mại điện tử quốc tế lớn như Amazon, Alibaba để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh xuất khẩu.
Ban Chỉ đạo Trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng ban hành Thông báo số 272/TB-MTTW-BCĐTWCVĐ về Danh sách thành viên Ban Chỉ đạo và Ban Thư ký Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Chi tiết xem tại đây.
Nguồn: Bộ Công Thương Việt Nam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn