Một số biện pháp an toàn về phòng cháy, chữa cháy để phòng ngừa các vụ cháy do hàn cắt kim loại gây ra

Thứ năm - 19/03/2020 04:14
Trong những năm qua, trên địa bàn cả nước xảy ra nhiều vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản do hàn cắt kim loại gây nên, trong đó có nhiều vụ gây nhiều người, gây hoang mang trong dư luận Nhân dân như: ​

Vụ cháy tại quán karaoke số 68 đường Trần Thái Tông, thành phố Hà Nội ngày 01/11/2016, làm chết 13 người; vụ cháy xưởng sản xuất bánh kẹo ở huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội ngày 29/7/2017, làm chết 08 người; vụ cháy Nhà hàng Ruby tại phường Xuân Hòa, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai ngày 21/12/2018, làm chết 07 người, thiệt hại hàng tỷ đồng. Tại Quảng Ngãi, ngày 07/4/2016 xảy ra vụ cháy tại Trung tâm điện máy Quang Lợi, xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức tuy chưa gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại về tài sản hàng tỷ đồng.

Trước tình hình trên, để phòng ngừa các vụ cháy và thiệt hại do các vụ cháy do hàn cắt kim loại xảy ra trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Công văn số 133/UBND-NC, ngày 10/01/2020 chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong quá trình hàn, cắt kim loại. Mặt khác, Công an tỉnh Quảng Ngãi cũng ban hành Công văn chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiểm tra, phát hiện, xử lý các vi phạm về PCCC, hạn chế thấp nhất các vụ cháy và thiệt hại do các vụ cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Qua thống kê cho thấy, nguyên nhân chủ yếu để xảy ra các vụ cháy do hàn, cắt kim loại là người đứng đầu cơ sở chủ quan, thiếu trách nhiệm trong công tác bảo đảm an toàn PCCC; công nhân, người lao động chưa được trang bị kiến thức cơ bản về PCCC, không tuân thủ các quy trình, quy định, các biện pháp về an toàn lao động, PCCC, để các hạt kim loại nóng chảy bắn vào các vật liệu dễ cháy như xốp, vải, mút, da, bìa các-tông… gây cháy lan, cháy lớn.

Vậy, để hạn chế các vụ cháy do hàn cắt kim loại gây ra, cần thực hiện một số biện pháp an toàn PCCC như thế nào?

Thứ nhất, đối với người đứng đầu các cơ sở phải nêu cao trách nhiệm về PCCC, quan tâm và đầu tư cho công tác PCCC; ban hành nội quy, quy định an toàn PCCC, quy trình hàn cắt kim loại an toàn trong quá trình hàn cắt; tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC, đặc tính nguy hiểm cháy nổ của quá trình hàn cắt kim loại, kiến thức về an toàn nói chung, an toàn cháy, nổ nói riêng trong quá trình hàn cắt.

Thứ 2, trong quá trình hàn cắt kim loại phải tổ chức che chắn bằng các vật liệu không cháy hoặc di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt (tối thiểu 10m), không để vảy hàn có nhiệt độ cao tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy phải có biện pháp an toàn PCCC và phương án xử lý cháy, nổ. Đồng thời, trong quá trình hàn cắt kim loại phải cử người trông coi, phải có người có mặt thường xuyên trong suốt quá trình hàn cắt và ít nhất có mặt sau 30 phút, kiểm tra thật kỹ trước trước khi kết thúc việc hàn cắt.

Thứ 3, chỉ sử dụng các dụng cụ hàn cắt đảm bảo an toàn như các chai khí trong thời hạn kiểm định, dây dẫn khí đảm bảo kín; đường ống dẫn khí phải được bảo vệ tránh tia lửa hàn, xỉ hàn và dầu mỡ; không đặt các chai khí gần nguồn nhiệt, hệ thống điện; trang bị các phương tiện PCCC cần thiết như bình chữa cháy tại khu vực tiến hành hàn cắt để có thể xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

Thứ 4, đối với thợ hàn, cần bảo đảm các nội dung sau:

+ Thợ hạn phải được tập huấn về nghiệp vụ PCCC, nắm vững đặc điểm nguy hiểm cháy nổ trong hàn cắt kim loại, biết sử dụng thành thạo các loại phương tiện PCCC tại chỗ để có thể dập tắt được đám cháy ngay khi mới phát sinh. Áp dụng các phương pháp hàn cắt tiên tiến, sử dụng thợ hàn có tay nghề đã qua đào tạo về công tác an toàn trong quá trình hàn cắt.

+ Phải tuân thủ và thực hiện các biện pháp an toàn PCCC đó là: Chuẩn bị đầy đủ các loại trang bị bảo hộ cá nhân (giầy, găng tay, kính hàn…); Sắp xếp nơi làm việc gọn gàng, kiểm tra tình trạng nước, cát, bình chữa cháy trang bị cho khu vực hàn; Chuẩn bị chậu nước để làm nguội mỏ hàn; Cần tiến hành kiểm tra các chỗ nối ống cao su với mỏ hàn và bộ giảm áp (dùng nước xà phòng), tình trạng mỏ hàn, bộ giảm áp và ống dẫn khí, độ lưu thông của miệng phun mỏ hàn, độ lưu thông của ống dẫn cao su từ bình ôxy đến mỏ hàn và từ bình khí axêtylen đến mỏ hàn.

+ Tuân thủ không được thực hiện các thao tác như: Dùng búa hoặc các dụng cụ phát tia lửa để gõ vào nắp chai chứa khí, sử dụng bộ giảm áp đã chờn ren, để chai khí ôxy, các ống cao su dẫn khí tiếp xúc với đường dây dẫn điện, tự động tháo, lắp bộ phận giảm áp nếu chưa được sự đồng ý của thợ hàn chính, mở van bình khí axêtylen bằng các dụng cụ, thiết bị không chuyên dùng.

+ Bên cạnh đó, trong quá trình hàn, cắt, cần chú ý những vấn đề sau: Khi mồi lửa cho mỏ hàn hơi phải dùng diêm, bật lửa chuyên dùng; khi tiến hành hàn không quàng ống dẫn khí vào cổ, vào vai, kẹp chân, cuộn tròn hoặc bẻ gập ống; khi mỏ hàn hơi đang cháy không mang ra khỏi khu vực làm việc dành riêng cho thợ hàn, khi tiến hành hàn ở trên cao không được mang mỏ hàn hơi đang cháy để leo thang; trong thời gian giải lao phải tắt lửa mỏ hàn và đóng van cấp khi tới mỏ hàn; nếu thời gian nghỉ kéo dài (giao ca, ăn trưa) thì ngoài việc tắt lửa mỏ hàn còn phải khóa van bình ôxy, bình khí axêtylen và ở bộ phận giảm áp phải nới hết cỡ nén của lò xo bên trong; khi mỏ hàn quá nóng thì phải tắt lửa mỏ hàn, nhúng đầu mỏ hàn vào chậu nước sạch, chờ nguội hẳn mới được làm việc trở lại; khi lửa tạt lại phải đóng ngay van nước của bình sinh khí, đồng thời đóng van bình chứa khí, sau đó nhúng mỏ hàn vào nước sạch chờ cho đến khi nguội hẳn mới làm việc lại; khi áp suất ở bình khí axêtylen tụt xuống hẳn thì không được tiếp tục làm việc. Phải kiểm tra ngay tình trạng của bình; khi miệng phun mỏ hàn bị tắc phải dùng dây đồng vừa lỗ phun của mỏ để thông, không được dùng dây thép; khi hàn cắt trong thể tích kín phải đốt mỏ hàn từ ngoài mang vào; khi hàn cắt trong những gian nhà có sàn gỗ, vật liệu dễ cháy phải dùng tấm tôn hay tấm amiăng che phủ bề mặt chống cháy lan; khi tiến hành hàn cắt trên cao (từ 1,5 mét trở lên) cần chú ý có thể gây cháy ở phía dưới.

Trong thời gian đến, cùng với việc tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền các biện pháp PCCC trong hàn, cắt kim loại, cộng với nâng cao ý thức và việc thực hiện đúng các biện pháp bảo đảm an toàn PCCC khi tổ chức hàn cắt kim loại của các cơ sở, chắc chắn sẽ phòng ngừa được các thiệt hại không đáng có nếu có xảy ra những tai nạn, sự cố trong hàn, cắt kim loại, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn./.

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây