Ngược dòng thời gian, vào tháng 4 năm 1975 của thế kỷ trước, Chính quyền cách mạng đã tiếp quản Nhà máy Nhiệt điện Cần Thơ 33MW và Hệ thống chuyển vận điện năng các tỉnh miền Tây, một công trình được khởi công không lâu trước đó với vốn vay của Chính phủ Nhật Bản và hoàn thành chỉ vài ngày trước khi miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/04/1975.
Bằng Quyết định số 1093/TCCB ngày 07/8/1976 của Bộ Điện Than, đã chính thức khai sinh Nhà máy Nhiệt điện Cần Thơ, và đây cũng là ngày kỷ niệm hằng năm của Nhà máy. Tại thời điểm này, Nhà máy hoạt động với vai trò là một Doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Công ty Điện lực Miền Nam (sau là Công ty Điện lực 2, nay là Tổng công ty Điện lực Miền Nam) với cơ sở vật chất ban đầu chỉ gồm 01 tổ máy Nhiệt điện công suất 33MW và 05 tổ máy Diesel GM 2.100 với công suất mỗi tổ 2,1 MW tọa lạc trên diện tích 71.885m2 cạnh Quốc lộ 91 và sông Hậu, cách trung tâm TP.Cần Thơ 10km về hướng Tây Bắc.
Suốt giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1983 Nhà máy có nhiệm vụ cung ứng điện độc lập cho các tỉnh miền Tây Nam bộ. Với vai trò của một nhà máy trung tâm ĐBSCL, đơn vị đã không những đảm bảo sự liên tục và thông suốt của dòng điện mà còn luôn giữ chất lượng điện tốt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Trong thời gian này, với điều kiện kinh tế cả nước còn nhiều khó khăn, công nghiệp lạc hậu, không có vật tư thiết bị thay thế do bị cấm vận, nhưng CBCNV Công ty Nhiệt điện Cần Thơ đã phát huy tính chủ động, sáng tạo, với nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã làm chủ công tác vận hành, sửa chữa đáp ứng đủ điện cung cấp cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Mười ba năm sau, năm 1989 do nhu cầu phát triển của phụ tải, Nhà máy Nhiệt điện Cần Thơ được lắp đặt thêm 2 tổ máy tua bin khí chạy dầu công suất 28MW gồm Tổ máy tua bin khí F5 do GE sản xuất được điều động từ Nhà máy Điện Thủ Đức và tổ máy tua bin khí Avon đã qua sử dụng được mua từ nước cộng hòa Ailen. Từ năm 1992 đến 1994, do 2 tổ máy này đã quá cũ và thường bị hư hỏng nên Công ty Điện lực 2 cho phép Nhà máy cải tạo thành 02 máy bù quay phát công suất vô công cho lưới điện.
Trong giai đoạn từ 1975 - 1993, dưới sự lãnh đạo của Ngài Giám đốc Nguyễn Hoàng Măng, đã tập trung được sự đoàn kết nhất trí và khơi dậy sự nỗ lực rèn luyện, học tập, sự say mê tìm tòi, cải tiến thiết bị, sự làm việc miệt mài, không quản ngày đêm của đội ngũ CBCNV đã giúp Nhà máy vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong thời kỳ bao cấp để giữ vững nguồn điện cho đất nước. Đồng thời, tại đây cũng chính là nơi đã đào tạo ra nhiều cán bộ quản lý có năng lực để chi viện cho một số nhà máy điện ở phía Nam. Chính từ trong gian khó vượt lên, với truyền thống quý báu đó mà đội ngũ CBCNV hiện tại của Công ty đã gắn bó, hết lòng tận tụy vì dòng điện và vì sự phát triển của Công ty, của Ngành.
Từ năm 1993 đến 2009, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Giám đốc Phan Thanh Liêm, đồng chí Nguyễn Hữu Á, đồng chí Phan Đức Hơn, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao nhu cầu điện năng cho sản xuất và tiêu dùng xã hội, Nhà máy nhiệt điện Cần thơ được Tập đoàn Điện lực Việt Nam giao kiêm nhiệm quản lý xây dựng lần lượt các dự án: dự án lắp đặt 04 tổ máy tua bin khí F6 chạy dầu: giai đoạn 1: 2 tổ máy với công suất mỗi tổ là 38.48 MW và giai đoạn 2: 2 tổ máy với công suất mỗi tổ là 39,1MW; dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I- tổ máy số 1 với công suất 330 MW. Các dự án này đã được xây dựng đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, lần lượt phát điện thương mại vào năm 1996, 1998 và 2009. Từ đó, công suất Nhà máy đã tăng hơn 12 lần, góp phần làm giảm một phần thiếu hụt điện năng cho hệ thống điện khu vực Đồng bằng sông Cửu long, giúp cho kinh tế khu vực phát triển thuận lợi.
Tiếp bước những bậc đàn anh đi trước, thế hệ cán bộ quản lý hiện tại của Công ty luôn thể hiện vai trò đầu tàu, gương mẫu, chịu khó rèn luyện, học hỏi nâng cao trình độ về mọi mặt; đồng thời, cũng đã quy hoạch, đào tạo được lớp cán bộ quản lý kế cận có năng lực về chuyên môn, kỹ thuật và có tâm huyết với Công ty.
Thực hiện chủ trương đổi mới kinh tế của nhà nước, ngày 11/5/2005 Nhà máy Nhiệt điện Cần Thơ chính thức được chuyển đổi thành Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Nhiệt điện Cần Thơ theo quyết định số 21/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một sự kiện có ý nghĩa quyết định đến tương lai của đơn vị, theo yêu cầu phát triển chung của nền kinh tế, ngoài ngành nghề chính là sản xuất kinh doanh điện năng, Công ty còn cung cấp các sản phẩm phụ, thực hiện các dịch vụ sửa chữa, lắp đặt thiết bị điện và tư vấn quản lý dự án nhằm khai thác được tối đa các nguồn lực hiện có để phục vụ cho mục tiêu kinh doanh và phát triển bền vững của Công ty.
Vì vậy, sau khi chuyển đổi, Công ty phải hoạt động một cách tự chủ trong nhiều ngành nghề đa dạng và phức tạp, lãnh đạo và CBCNV Công ty hiểu rất rõ trước hết cần phải có đội ngũ kỹ sư, công nhân giỏi mới có thể đảm trách nhiệm vụ mới mà cấp trên giao phó. Chính vì vậy, hầu hết lao động trong dây chuyền sản xuất đều được tuyển chọn kỹ lưỡng thông qua đào tạo tại các trường dạy nghề và hằng năm có tổ chức bồi huấn tại chỗ nhằm nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề cũng như cử cán bộ, công nhân đi trao đổi, học tập kinh nghiệm ở các đơn vị bạn để phục vụ cho công tác quản lý, vận hành Nhà máy, quản lý dự án được an toàn, hiệu quả, đúng quy định và cung cấp dịch vụ với chất lượng tốt nhất.
Bên cạnh việc đáp ứng phương thức vận hành theo yêu cầu của hệ thống điện quốc gia, Công ty đặc biệt quan tâm đến công tác đại tu, sửa chữa các tổ máy, khuyến khích cán bộ công nhân viên chủ động sáng tạo trong sản xuất, có nhiều sáng kiến cải tiến, tiết kiệm vật tư, nhiên liệu... nhằm đảm bảo an toàn và kéo dài tuổi thọ của máy móc thiết bị. Trong 40 năm qua, đã có hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật, làm lợi cho nhà nước hàng chục tỷ đồng.
Sau khi chuyển đổi, nhằm thực hiện chiến lược phát triển ngành điện theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 và để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện năng tại vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng. Công ty lại tiếp tục được Tập đoàn Điện lực Việt Nam tín nhiệm chọn làm đơn vị Tư vấn quản lý dự án và chuẩn bị sản xuất cho các Dự án thuộc Trung Điện lực Ô Môn, bao gồm các dự án Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I – Tổ máy số 2, Ô Môn III và Ô Môn IV với tổng công suất khoảng 2.900 MW. Sau một thời gian dài triển khai thực hiện với không ít khó khăn và trở ngại khách quan, bằng sự nỗ lực và quyết tâm của tập thể CBCNV Công ty, dưới sự chỉ đạo sâu sát, giúp đỡ của Lãnh đạo các cấp Thành phố Cần Thơ, của các ngành, của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ngày 14/8/2012 đã ký kết Hợp đồng với Liên danh Nhà thầu Daelim-Sojitz và chính thức khởi công vào ngày 21/9/2012 cho Gói thầu Cung cấp vật tư thiết bị và xây lắp, Tổ máy số 2 của Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn I công suất 330MW với tổng mức đầu tư là 9.722 tỷ đồng (tương đương 462,5 triệu USD), đây là Nhà máy Nhiệt điện ngưng hơi truyền thống được thiết kế sử dụng hai loại nhiên liệu là dầu FO và khí thiên nhiên hoặc hỗn hợp dầu FO/khí thiên nhiên.
Theo dòng chảy của thời gian, trong giai đoạn toàn cầu hóa, sự đòi hỏi về hội nhập kinh tế quốc tế là một xu hướng tất yếu, để chuẩn bị thích nghi và phát triển trong môi trường kinh doanh mới, ngày 01/6/2012 Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 3024/QĐ-BCT ngày 01/6/2012 về việc thành lập Công ty mẹ - Tổng công ty Phát điện 2, trên cơ sở tổ chức, sắp xếp lại Công ty TNHH một thành viên Nhiệt điện Cần Thơ và một số đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Tổng công ty Phát điện 2 (gọi tắt là GENCO2) đã chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 01/01/2013 và có trụ sở chính đặt tại số 01 Lê Hồng Phong, Phường Trà Nóc, Quận Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ. Tổng công ty Phát điện 2 có 13 đơn vị thành viên trải dài từ Bắc đến Nam với hơn 4 ngàn cán bộ công nhân viên và cũng từ thời điểm này, chính thức không còn Công ty Nhiệt điện điện Cần Thơ nữa!
Sau khi chuyển đổi, ngay từ những ngày đầu thành lập, bằng sự nỗ lực và quyết tâm của tập thể CBCNV Tổng công ty cũng như CBCNV Khối sản xuất tại Cơ quan Tổng công ty (nay là Công ty Nhiệt điện Cần Thơ) đã khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ kế hoạch mới. Tiếp theo sự thành công của việc lắp đặt và đưa vào vận hành Tổ máy 1 - Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I công suất 330MW từ tháng 09/2009, Khối sản xuất tại Cơ quan Tổng công ty ngoài nhiệm vụ sản xuất điện còn phối hợp với Ban quản lý Trung tâm điện lực Ô Môn - Tổng công ty Phát điện 2 giám sát thi công lắp đặt Tổ máy số 2. Vào tháng 11/2015, Tổng công ty đã hoàn thành công tác nghiệm thu, bàn giao và đưa vào vận hành Tổ máy 2 - NMNĐ Ô Môn I với cùng công suất của Tổ máy 1 được đặt tại Khu vực Thới Lợi, Phường Phước Thới, Quận Ô Môn, Thành phố Cần Thơ. Việc đưa vào vận hành tổ máy này đã góp phần đảm bảo an ninh năng lượng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, đồng thời cung cấp điện năng đáp ứng nhu cầu đời sống của người dân và phát triển kinh tế - chính trị trong khu vực.
Sau nhiều lần nỗ lực của tập thể Lãnh đạo Tổng công ty Phát điện 2, ngày 09/11/2015 Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành văn bản số 4657/EVN-QLV yêu cầu các GENCO xây dựng đề án thành lập các công ty hạch toán phụ thuộc, ngày 04/01/2016 Hội đồng thành viên Tập đoàn điện lực Việt Nam phê duyệt phương án thành lập Công ty Nhiệt điện Cần Thơ. Theo đó Chủ tịch Tổng công ty Phát điện 2 đã ký Quyết định số 01/QĐ-GENCO2 ngày 05/01/2016 thành lập Công ty Nhiệt điện Cần Thơ - là đơn vị trực thuộc EVNGENCO2, hoạt động dưới hình thức chi nhánh của EVNGENCO2. Ngày 04/5/2016 Công ty Nhiệt điện Cần Thơ làm Lễ ra mắt và đã nhanh chóng ổn định cơ cấu tổ chức và chính thức đi vào hoạt động.
Công ty Nhiệt điện Cần Thơ đóng trên địa bàn thành phố Cần Thơ thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, là một trong những châu thổ lớn của vùng Đông Nam Á với diện tích gần 04 triệu hécta đất tự nhiên. Không chỉ rộng lớn về diện tích, đồng bằng sông Cửu Long còn là vùng đất đai phì nhiêu, khí hậu ổn định và ít bị thiên tai. Trong định hướng phát triển kinh tế xã hội từ nay đến năm 2020, khu vực Đồng bằng sông Cửu long sẽ phát triển thành vùng sản xuất lương thực - thực phẩm và nuôi trồng thủy sản lớn nhất nước. Dự báo về nhu cầu sử dụng điện của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm tới là rất cao.
Ngày 17/2/2005, Bộ chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP.Cần Thơ “sớm trở thành Thành phố đồng bằng cấp quốc gia, văn minh hiện đại, xanh - sạch - đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông; là trung tâm công nghiệp; trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch; trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế - văn hóa, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước”vì vậy việc nhanh chóng đầu tư cơ sở hạ tầng còn đòi hỏi đáp ứng về nhu cầu điện năng phải đi trước một bước.
Hiện nay, Công ty Nhiệt điện Cần Thơ đang quản lý 02 Nhà máy Nhiệt điện Cần Thơ và Nhiệt điện Ô Môn 1, với công suất 848 MW là nguồn cung cấp điện năng lớn tại khu vực, trong khi đó điện năng là tiền đề hết sức quan trọng để hệ thống đô thị, kinh tế - xã hội từng bước đi lên. Vì vậy, phát triển nguồn điện ở khu vực Miền Tây, mà cụ thể là phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các dự án nguồn điện trong Trung tâm điện lực Ô Môn giai đoạn từ nay đến năm 2020 là hết sức khẩn trương, đảm bảo được nguồn điện năng cho công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, góp phần để thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị đặc biệt trong tương lai, và góp phần bảo đảm môi trường bằng sử dụng nhiên liệu sản xuất điện là khí Tây nam sẽ cung cấp thương mại từ năm 2021.
Sau 40 năm hình thành và phát triển, quy mô sản xuất của Công ty đã tăng lên gấp 20 lần và còn tăng hơn nữa, khi các Tổ máy tại Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn đi vào hoạt động. Từ buổi ban đầu, khi vừa mới đi qua chiến tranh, lực lượng của Nhà máy chỉ khoảng 150 người với 17 kỹ sư, ngày nay đội ngũ CBCNV của Công ty đã trải qua nhiều thế hệ và ngày càng vững mạnh, một phần nhân lực đã làm việc tại Cơ quan Tổng công ty, số nhân lực còn lại tiếp tục công tác tại Công ty với 319 người gồm 04 thạc sỹ, 95 kỹ sư, cử nhân, 220 cao đẳng trung cấp và nhiều công nhân lành nghề được đào tạo và trưởng thành tại Công ty, vì vậy đủ sức và sẵn sàng tiếp bước cha, anh gánh vác và lèo lái con tàu Công ty tiếp tục rẽ sóng tiến lên phía trước.
Để ghi nhận sự đóng góp của tập thể CBCNV Công ty Nhiệt Điện Cần Thơ trong những năm qua đối với sự phát triển của ngành điện nói chung và của Công ty nói riêng, Đảng và Nhà nước đã trao tặng nhiều phần thưởng cao quý, nhiều bằng khen cho các tập thể và cá nhân. Đặc biệt là tập thể CBCNV công ty Nhiệt điện Cần Thơ được vinh dự đón nhận “Huân chương lao động hạng ba” năm 1983, “Huân chương lao động hạng nhì” năm 1987, “Huân chương lao động hạng nhất” năm 1999 và năm 2011 Công ty được vinh dự đón nhận “Huân chương độc lập hạng 3”; các đồng chí nguyên là Giám đốc công ty đều được Đảng và Nhà nước tặng huân chương lao động. Và cùng với nhiều bằng khen, cờ thi đua của các bộ, ngành và địa phương tặng thưởng cho CBCNV qua các thế hệ.