1. Tổng Quan
Khí ga (LPG - Liequefied Petroleum Gas) là hỗn hợp của các hydrocacbon, trong đó thành phần chủ yếu là khí Propan và Butan. Khí ga có tỷ trọng nặng hơn không khí (Prôpan gấp 1,55 lần, Butan gấp 2,07 lần).
Thị trường sử dụng khí ga ở Việt Nam tập trung chủ yếu ở miền Bắc và miền Nam. Xét về nhu cầu sử dụng của từng vùng thị trường, miền Nam được xem là thị trường lớn nhất và có nhu cầu sử dụng cao nhất, chiếm khoảng 66 % nhu cầu của cả nước, kế đến là miền Bắc và miền Trung tương ứng chiếm khoảng 30 % và 4 %. Khí ga được sử dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực khác nhau như trong công nghiệp, các nhà máy sử dụng khí ga làm nguyên/nhiên liệu để phục vụ sản xuất; trong thương mại, khí ga được sử dụng chủ yếu trong các khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí; trong lĩnh vực giao thông vận tải, khí ga được sử dụng làm nhiên liệu thay thế cho các nhiên liệu truyền thống như xăng, dầu; trong các hộ gia đình, nhu cầu sử dụng khí ga làm nhiên liệu, chất đốt trong sinh hoạt. Tuy nhiên, khí ga còn là một nguồn nhiên liệu có khả năng gây nguy hiểm cháy nổ cao, không những gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến con người. Do đó, việc hạn chế các vụ cháy, nổ trong quá trình sử dụng khí ga là một vấn đề quan tâm của toàn xã hội nói chung và của Lực lượng Phòng cháy chữa cháy nói riêng. Trước thực trạng đó, tác giả đưa các nguyên nhân và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy trong sử dụng khí ga tại các hộ gia đình.
2. Các nguyên nhân gây cháy nổ sử dụng khí ga trong các hộ gia đình
- Sử dụng bình ga du lịch (chai LPG mini) san nạp trái phép trong các hộ gia đình gây cháy nổ: Hiện nay, hầu hết các loại bình ga mini sử dụng một lần dùng cho bếp du lịch đang lưu hành trên thị trường là loại được nhập khẩu dưới dạng đã nạp khí ga. Theo QCVN 02:2017/BCT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng mini”, vật liệu chế tạo chai mini nạp 1 lần là thép tấm, hợp kim nhôm, thép carbon có độ dày phù hợp có hàm lượng carbon, phốt pho và lưu huỳnh tương ứng ít hơn hoặc bằng 0,33%, 0,04% và 0,05%. Loại bình ga này thường được nhập của Malaysia, Inđônêxia, Hàn Quốc và một số nước khác. Bên cạnh đó, chỉ một số ít chai LPG mini được phép nạp lại. Vật liệu chế tạo vỏ chai LPG nạp lại là SUS 304 hoặc vật liệu chịu ăn mòn có cơ tính và thành phần hóa học tương đương để đảm bảo an toàn của chai. Vật liệu vòng đệm van phải chịu được LPG. Tuy nhiên, nhu cầu của người tiêu dùng muốn sử dụng sản phẩm này với mức giá thấp. Do đó, một số cơ sở san nạp trái phép đã bất chấp các quy định an toàn phòng cháy chữa cháy. Các cơ sở tận dụng các vỏ bình cũ để nạp lại và bán với giá rất rẻ. Các cơ sở này thường nạp ga từ bình 12 kg hoặc 45 kg sang các bình ga mini. Theo QCVN 02:2017/BCT về việc sử dụng các chai chứa LPG mini loại không nạp lại, việc lưu hành loại bình ga nạp lại đã bị “đình chỉ”, song đến thời điểm hiện nay vẫn còn các cửa hàng ga kinh doanh các loại bình ga loại này do sự chênh lệch về lợi nhuận dẫn đến các bình loại này vẫn được sử dụng rộng rãi và lưu hành trên thị trường.
Theo quy định của nhà chế tạo, vỏ bình được sản xuất chỉ để thích ứng nạp loại ga có tỷ lệ 5% Propan + 95% Butan và không được nạp lại. Đây là tiêu chuẩn đảm bảo an toàn cao cho người sử dụng. Phân tích khả năng chịu áp suất nén của loại bình này, với loại ga có tỷ lệ 5% Propan + 95% Butan, ở nhiệt độ 40oC là 3,2 kg/cm2. Tuy nhiên, các cơ sở san nạp trái phép đã tận dụng những vỏ bình đã hết, hoen rỉ, cũ kỹ để san nạp lại nhiều lần bằng các loại khí ga dùng cho các bình chịu áp lực lớn (bình 12 kg hoặc 45 kg), với tỷ lệ 50% Propan + 50% Butan; 40% Propan + 60% Butan hoặc 30% Propan và 70% Butan. Với tỷ lệ này, áp suất hơi bão hoà của khí ga trong bình ở 40oC sẽ tăng từ 3,2 kg/cm2 lên 8;9;10 kg/ cm2, vượt quá khả năng chịu áp của bình gây nổ và cháy khi sử dụng.
- Do thiếu ý thức, kiến thức PCCC: trong quá trình sử dụng tại các hộ gia đình, người sử dụng không nắm được tính chất nguy hiểm cháy nổ của khí ga. Khí ga có nguy hiểm cháy nổ cao, có tỷ trọng nặng hơn không khí, khi thoát ra khỏi thiết bị chứa, ống dẫn, khí ga bay là là trên mặt đất và tích tụ ở những chỗ trũng gặp ngọn lửa có thể gây cháy, nổ. Bên cạnh đó, người sử dụng không hiểu hết quy trình sử dụng bếp ga an toàn hoặc do sơ suất gây cháy như đặt bếp gần các vật liệu dễ cháy, không thường xuyên vệ sinh bếp để bụi bẩn, dầu mỡ tích tụ lâu ngày trên bề mặt bếp, thức ăn bám vào ống dẫn ga nên chuột cắn thủng dây dẫn, khí ga thoát ra ngoài gây cháy.
- Do vi phạm quy trình kỹ thuật an toàn trong khi lắp đặt, sử dụng bếp trong các hộ gia đình gây cháy: Trong quá trình lắp đặt, các khớp nối giữa dây dẫn với bếp, van bình và van điều áp không chặt dẫn đến rò rỉ hoặc ống dẫn ga bị tụt khi đang đun nấu. Ngoài ra, khoảng cách giữa bếp và bình ga quá gần, không có tường chắn cách ly. Trong quá trình sử dụng tại các hộ gia đình, người sử dụng không trông coi để sôi trào làm tắt lửa trong khi van xả ga vẫn mở. Trường hợp bếp ga không có van tự ngắt. Dẫn đến, khí ga sẽ rò rỉ, tích tụ trong phòng khi bật bếp trở lại sẽ gây cháy nổ. Ngoài ra, người sử dụng thay bình ga khi đang đun nấu mà không tắt lửa ở bếp cũng có khả năng gây cháy nổ.
- Do sự cố kỹ thuật: Các bếp ga và các phụ kiện không đảm bảo chất lượng được trang bị trong các hộ gia đình. Dẫn đến, khí ga sẽ bị rò rỉ qua các van ga và dây dẫn ga kém chất lượng và gây cháy, nổ trong quá trình sử dụng. Đây là một trong những nguy cơ dễ dẫn đến sự cố rò rỉ khí ga có gây cháy nổ rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, việc sử dụng ga được sang chiết lậu, vỏ bình ga trôi nổi trên thị trường, chưa qua kiểm định, van ga bị thay thế bởi hàng kém chất lượng,… đều làm tăng nguy cơ mất an toàn khi sử dụng gas. Nó dễ dẫn tới sự cố rò rỉ gas và nguy cơ cháy nổ cũng tăng cao.
3. Các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy việc sử dụng khí ga tại các hộ gia đình
3.1. Yêu cầu khi lựa chọn thiết bị
Chai chứa LPG trong hộ gia đình phải có nguồn gốc xuất xứ, phù hợp với hợp đồng mua, bán hoặc hợp đồng đại lý kinh doanh LPG và có đầy đủ hồ sơ lưu trữ theo quy định. Chai LPG được ghi nhãn theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 của QCVN 04:2013/BCT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn chai chứa khí dầu mỏ hóa lỏng bằng thép”. Chai LPG phải còn nguyên hình dạng thiết kế ban đầu, đã được kiểm định và còn thời hạn sử dụng. Bên cạnh đó, chai LPG phải được niêm phong đúng quy cách. LPG trong chai phải bảo đảm đúng khối lượng theo thiết kế, nhãn hiệu hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng đã công bố. Ngoài ra, bếp ga và các phụ kiện nên chọn hàng chính hang. Bếp có các thiết bị an toàn như: Rơle an toàn khi tắt lửa, rơle an toàn khi quá nhiệt, bếp gas mini có cụm van an toàn ngắt trực tiếp.
3.2. Yêu cầu khi lắp đặt, sử dụng
Chai LPG không được lắp đặt trong phòng kín, hầm kín tại các hộ gia đình. Chai LPG phải được lắp đặt ở vị trí thẳng đứng. Trên tường nơi đặt chai LPG phải có khe hở hoặc lỗ thông hơi. Vị trí đáy các khe hở và lỗ thông hơi này không được cao hơn sàn nhà 150 mm. Khu vực xếp đặt chai LPG phải thông thoáng, đảm bảo bất kỳ rò rỉ khí dầu mỏ hóa lỏng nào cũng không có khả năng gây cháy. Tất cả các thiết bị điện trong nhà tại hộ gia đình phải lắp đặt cách chai LPG tối thiểu 1,5 m. Khu vực chai LPG phải được loại trừ ngay bất kỳ nguồn gây cháy nào. Không được lắp đặt, cất giữ chai LPG ở khu vực cửa ra vào, ở nơi hay có người qua lại.
Cấm mọi hình thức sang chiết nạp LPG vào chai tại các hộ gia đình. Chai LPG khi bán cho khách hàng sử dụng trong hộ gia đình phải đáp ứng quy định về điều kiện an toàn chai LPG khi lưu thông trên thị trường tại Khoản 2 Điều 10 của Quy chuẩn QCVN 04:2013/BCT. Bên cạnh đó, các chai LPG lắp đặt cho khách hàng sử dụng trong hộ gia đình phải được kiểm tra về sự rò rỉ, tình trạng hoạt động của các van an toàn, dây dẫn và đường ống dẫn. Khi cung cấp chai LPG cho khách hàng sử dụng tại hộ gia đình, cửa hàng hoặc đại lý LPG phải cung cấp cho khách hàng 01 bản phiếu giao hàng và có 01 bản lưu tại cửa hàng, trong đó phải có các thông tin tối thiểu: số sêri chai, loại chai, thời gian kiểm định gần nhất ghi trên chai, tên, địa chỉ và điện thoại liên hệ của cửa hàng, tên và địa chỉ khách hàng sử dụng, ngày cung cấp chai cho khách hàng. Phiếu giao hàng phải có ký nhận của khách hàng sử dụng. Đồng thời phải giao bản hướng dẫn sử dụng và cách khắc phục sự cố cho khách hàng. Khi phát hiện chai LPG không đảm bảo an toàn, có nguy cơ bị hở gây rò rỉ khí LPG ra ngoài, phải ngừng sử dụng, báo ngay cho cửa hàng LPG đến khắc phục kịp thời, không tự ý sửa chữa, thay thế thiết bị. Ngoài ra, Khi phát hiện cửa hàng bán LPG chai kém chất lượng, phải thông báo cho cửa hàng kinh doanh LPG đầu mối hoặc đại lý, hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền để ngăn chặn, xử lý kịp thời. Trường hợp khách hàng sử dụng tại các hộ gia đình chuyển sang dùng chai LPG của thương nhân khác hoặc khi không có nhu cầu sử dụng chai LPG, khách hàng sử dụng phải thông báo cho cửa hàng bán LPG để cửa hàng LPG thu hồi chai LPG.
3.3. Quy trình xử lý sự cố rò rỉ ga
Quá trình sử dụng gas trong hộ gia đình phải thường xuyên kiểm tra độ kín của các thiết bị. Nếu phát hiện có rò rỉ ga cần phải thực hiện các thao tác sau:
- Báo động cho tất cả mọi người di chuyển ra nơi an toàn hoặc cùng tham gia xử lý đồng thời đóng ngay van chai LPG, tìm chỗ rò rỉ để bịt lại bằng băng keo hoặc trát xà phòng.
- Tuyệt đối không dùng lửa hoặc làm phát sinh nguồn lửa, nguồn nhiệt, không bật, tắt các công tắc, thiết bị điện để tránh phát sinh tia lửa, không sử dụng điện thoại di động.
- Không đi giầy, guốc có đế kim loại trên nền gạch, mở cửa ra vào, cửa sổ để thông gió khu vực gas bị rò rỉ hoặc sử dụng chai khí CO2, N2 để làm loãng nồng độ khí gas.
- Cảnh giới cấm lửa tại khu vực chai LPG rò rỉ, thông báo cho cửa hàng, đại lý cung cấp hoặc cơ quan Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy biết để có biện pháp xử lý./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn