Chuyển đổi số- Thời cơ và Thách thức với EVNGENCO2

Thứ tư - 23/02/2022 07:14
Năm 2021 đánh dấu một sự kiện quan trọng, EVN triển khai chủ đề “Chuyển đổi số trong tập đoàn Điện lực Việt Nam”. Đứng trước xu thế mới của toàn cầu, ứng dụng những thành tựu kỹ thuật từ cuộc cách mạng khoa học và Công nghệ 4.0 đã mang đến rất nhiều thuận lợi và cũng nhiều thách thức đặt ra cho EVNGENCO2/Công ty Nhiệt điện Cần Thơ trong lĩnh vực quản trị, kinh doanh, sản xuất.
Từ đầu năm 2021, khi cụm từ “Chuyển đổi số” xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông. Không nằm ngoài xu thế chung nền kinh tế, EVNGENCO2 đã nhanh chóng triển khai và áp dụng nhiều công nghệ mới trong tất cả các lĩnh vực Quản trị; Đầu tư xây dựng; Sản xuất; Viễn thông – CNTT; Truyền thông, chuyển đổi nhận thức, bước đầu đã đạt nhiều kết quả rất đáng ghi nhận.

Thời cơ khi Chuyển đổi số

Chuyển đổi số khi áp dụng thành công mang đến rất nhiều thuận lợi trong công tác của CBCNV EVN nói chung và EVNGENCO2 nói riêng. Vậy khi áp dụng Chuyển đổi số vào các lĩnh vực trong sản xuất kinh doanh tại Đơn vị sẽ đem đến những thuận lợi như thế nào?

Trong lĩnh vực sản xuất của  EVNGENCO2, công nghệ số đã được ứng dụng vào mọi hoạt động quản lý, điều hành, sản xuất,… từ cấp Tổng công ty đến các đơn vị trực thuộc. Các phần mềm dùng chung của EVN như Phần mềm quản lý nguồn lực doanh nghiệp (ERP); Quản lý kỹ thuật (PMIS); Quản lý đầu tư xây dựng (IMIS), Phần mềm quản lý nhân sự (HMRS) được khai thác và sử dụng triệt để…Đặc biệt phải kể đến Hệ thống văn phòng điện tử D-Office mang đến rất nhiều thuận tiện trong việc quản lý, lưu trữ dữ liệu qua việc lập hồ sơ công việc các công văn, chỉ đạo, hướng dẫn v.v…luồng thông tin từ đơn vị cấp 1 đến, đơn vị cấp 2, cấp 3 được đảm bảo liền mạch, thông suốt và nhanh chóng. Các công việc được quản lý chặt chẽ trên hệ thống nên hạn chế được rất nhiều sai sót, hay trễ hạn. Công việc cũng được phân loại theo nhiều cấp độ khác nhau giúp CBCNV nâng cao được hiệu suất lao động đồng thời Trưởng Đơn vị cũng có thể kiểm soát công việc của phòng, ban một cách hiệu quả hơn.

Trong năm 2021, Các đơn vị trong EVNGENCO2 đã đưa vào áp dụng hàng loạt các công nghệ mới, hỗ trợ sản xuất. Trong đó phải kể đến việc áp dụng công nghệ 3D và thực tế hỗn hợp - MR (Mixed Reality) nâng cao năng lực quản lý, phát triển nguồn nhân lực tại Thủy điện Thác Mơ; Giải pháp tự động cập nhật và báo cáo số liệu vận hành hồ chứa tại Nhà máy Thủy điện A Vương; Đề án số hóa các quy trình thủ tục nội bộ tại Công ty Nhiệt điện Cần Thơ. Những công nghệ số này khi đưa vào áp dụng đã hỗ trợ rất nhiều cho công tác quản lý kỹ thuật đồng thời hỗ trợ cho CBCNV làm việc hiệu quả hơn, giảm thiểu được sai sót.
 
 
cdska1
EVNGENCO2 chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực

Một thế mạnh khi thực hiện chuyển đổi số được thể hiện rõ trong thời gian địa phương áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt để phòng ngừa dịch bệnh. Nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn cho CBCNV cũng như duy trì đảm bảo công tác sản xuất. EVNGENCO2 và Công ty NĐCT đã kịp thời kích hoạt các phương án phòng chống dịch. Cụ thể, CBCNV làm việc từ xa tại nhà khai thác tối ưu các phần mềm dùng chung cũng như sử dụng các ứng dụng văn phòng, ứng dụng họp trực tuyến, từ đó duy trì ổn định các công tác theo đúng kế hoạch.

Để giúp CBCBCNV cập nhật được những thông tin mới, trên trang Websites của EVN, EVNGENCO2 và Công ty NĐCT đã có chuyên mục riêng về Chuyển đổi số. Tại đây CBCNV có thể nắm bắt được chủ trương của EVN và Tổng công ty trên lĩnh vực Chuyển đổi số đồng thời tham khảo các phần mềm, ý tưởng công nghệ mới đang được áp dụng tại các đơn vị.

Những thách thức của Chuyển đổi số
Bên cạnh những thời cơ do chuyển đổi số mang lại chúng ta phải nhìn nhận rõ những thách thức được đặt ra. Tất cả các phần mềm, chương trình mới khi đưa vào sử dụng cần có thời gian để tìm hiểu, đào tạo cách sử dụng, kịp thời phát hiện các lỗi để nhanh chóng khắc phục.

Một trong những thách thức khi chuyển đổi từ thủ công sang số hóa là vấn đề cơ sở hạ tầng, thay vì lưu trữ văn bản bằng giấy như truyền thống rất tốn không gian, diện tích lưu trữ; phải mất thời gian tra cứu hồ sơ và gây nguy cơ cháy nổ. Khi chuyển sang lưu trữ dạng dữ liệu, đơn vị cần đầu tư hệ thống máy chủ, các vật tư thiết bị kèm theo đảm bảo hệ thống và kết nối an toàn để lưu dữ liệu trong thời gian dài từ 10-20 năm.

Mặt khác, đứng trước thời đại bùng nổ về thông tin, vấn đề bảo mật, an minh mạng đặt ra rất nhiều thách thức. Các phần mềm hiện nay đều yêu cầu CBCNV nhập mật khẩu, nếu sử dụng mật khẩu quá đơn giản có thể bị truy cập không hợp pháp, đánh cắp thông tin dữ liệu của Công ty. Đề phòng hacker xâm nhập đánh cắp, tiết lộ các dữ liệu quan trọng sẽ gây tổn thất tài sản về cũng như hình ảnh của Công ty. Vì thế, cần ưu tiên công tác bảo mật, tường lửa chống xâm nhập và cập nhật các phần mềm diệt vi-rút. Người sử dụng cần có ý thức sử dụng mật khẩu có tính bảo mật cao. Đổi mật khẩu 6 tháng 1 lần, để giảm nguy cơ bị đánh cắp thông tin.

Bên cạnh đó, khi toàn bộ công việc đều thực hiện bằng phần mềm và phụ thuộc vào máy tính và hệ thống truyền tải mạng dữ liệu ổn định mới đáp ứng được nhu cầu của công việc. Vì vậy, cần phải xây dựng thêm các phương án dự phòng cho các tình huống xảy ra ngoài dự đoán, đồng thời ngăn chặn các rủi ro về đường truyền, nguồn điện. Do đó, cần nhanh chóng nâng cấp hệ thống số hóa giúp công cuộc chuyển đổi số hoàn thiện nhằm đáp ứng xu hướng hiện nay.
 
 
cdska2
An toàn và bảo mật thông tin cần được chú trọng

Một yếu tố cuối cùng nhưng có tính quyết định chính là yếu tố con người mà ở đây là người sử dụng các ứng dụng từ chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp khai thác được tối đa năng lực làm việc của nhân viên trong Công ty. Trong phạm vi Tập đoàn người sử dụng trực tiếp là CBCNV, NLĐ. Để công cuộc Chuyển đổi số của Tập đoàn thu được kết quả cao, CBCNV cần có tinh thần học hỏi không ngừng trau dồi học tập, kịp thời tiếp thu những công nghệ mới để áp dụng trong công việc. Qua đó, cũng giúp người quản lý dễ dàng đánh giá chất lượng công việc của từng nhân viên qua số liệu báo cáo nhận lại cuối ngày, cuối tuần, cuối tháng hoặc cuối quý. Đề xuất áp dụng các công nghệ mới để quản lý công việc hiệu quả, nhằm tăng năng suất lao động của CBCNV. Trích lời chia sẻ của Ông Huỳnh Thanh Phong - Giám đốc - Trưởng ban chỉ đạo Chuyển đổi số Công ty Nhiệt điện Cần Thơ: “Chuyển đổi số muốn thành công thì phải chuyển đổi từ nhận thức của CBCNV”.

Đứng trước muôn vàn những thời cơ và thách thức từ quá trình Chuyển đổi số, Tập thể lãnh đạo và CBCNV EVNGENCO2 cũng như Công ty NĐCT luôn nghiêm túc triển khai các chỉ đạo từ EVN. Nhìn nhận, đánh giá và phát huy những thời cơ đồng thời hạn chế bất lợi, rủi ro đến mức thấp nhất; khắc phục các điểm còn hạn chế từ đó đưa ra các biện pháp cải tiến, phù hợp với tình hình thực tế.

Công cuộc Chuyển đổi số là một quá trình dài với nhiều thách thức đặt ra và để đạt được thành công cần phải tiếp tục nghiên cứu và thay đổi cho phù hợp. Hướng tới mục tiêu doanh nghiệp số, đón đầu các xu hướng của thời đại, cần có sự phối hợp giữa người lãnh đạo và tập thể, ứng dụng công nghệ thông minh và thành quả từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 từ đó đưa Công ty đạt được những mục tiêu đã đề ra, vươn đến những tầm cao mới.
Trần Ngô Kiều Anh - Công ty Nhiệt điện Cần Thơ
Bài viết đạt giải 3 cuộc thi EVNGENCO2 với công cuộc chuyển đổi số

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây