Sự nguy hiểm của vật liệu mới đối với chiến sỹ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ trong các vụ cháy hiện nay

Chủ nhật - 19/06/2022 23:30
Ngày nay, vật liệu xây dựng mới đang làm cho việc chữa cháy trở nên nguy hiểm hơn đối với sức khỏe và tinh thần của chiến sỹ chữa cháy, CNCH, cũng như những người sinh sống và làm việc ở trong tòa nhà, công trình.

Thoạt nhìn, các đô thị và vùng lân cận của chúng ta có thể trông an toàn hơn trước các nguy cơ hỏa hoạn so với 50 năm trước. Các ngôi nhà và cơ sở kinh doanh ngày nay hầu như đều được trang bị hệ thống báo cháy, chữa cháy tiên tiến hơn và các chiến sỹ chữa cháy, CNCH có thiết bị an toàn bền hơn và kiến thức sâu hơn về chữa cháy, CNCH. Các các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC cũng quy định nghiêm ngặt về an toàn cháy nổ và các quy định xây dựng khác để ngăn ngừa hỏa hoạn và giảm thiểu rủi ro khi chúng xảy ra.

Tuy nhiên, trong thực tế các tòa nhà hiện đại đang bốc cháy và sụp đổ nhanh hơn những tòa nhà được xây dựng cách đây 60 hoặc 100 năm. Các nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng các đám cháy trong khu dân cư lửa khó thoát ra hơn và có nhiều khả năng xảy ra bùng cháy nhanh hơn hay còn gọi là hiện tượng flashover khiến lực lượng chữa cháy có ít thời gian hơn để tiếp cận các tòa nhà và công trình trước khi thảm họa xảy ra. (Flashover - là sự bùng cháy gần như đồng thời của hầu hết các vật liệu dễ cháy tiếp xúc trực tiếp trong một khu vực kín. Hiện tượng cháy xảy ra khi phần lớn các bề mặt tiếp xúc trong không gian bị nung nóng đến nhiệt độ tự cháy của chúng và phát ra khí dễ cháy. Flashover thường xảy ra ở 500 ° C hoặc 590 ° C),

Vậy tại sao các đám cháy thực sự ngày càng nguy hiểm và khó kiểm soát hơn, để hiểu được vấn đề này, điều quan trọng là phải hiểu biết về việc thiết kế xây dựng, trang bị nội thất và nhiên liệu đang sử dụng trong các tòa nhà, công trình hiện nay tác động như thế nào đến sự an toàn của các tòa nhà - và cách chúng ta có thể giảm thiểu những nguy cơ hỏa hoạn mới này. Cũng giống như công nghệ đã nâng cao sức mạnh của chúng ta trong việc phát hiện và chữa cháy, ngày nay cũng đã xuất hiện nhiều loại vật liệu mới và xu hướng xây dựng hiện đại khiến khói và lửa khó ngăn chặn hơn.

Một số thay đổi trong các tòa nhà, công trình gần đây bao gồm việc sử dụng nhiều vật liệu dệt dễ cháy, chất dẻo có tỷ lệ cháy cao và cách bố trí chúng. Một trong những thay đổi lớn nhất trong các vụ cháy ở các đô thị hiện nay là việc sử dụng vật liệu xây dựng và đồ dùng, nội thất bằng vật liệu tổng hợp. Nhìn chung, ngôi nhà hiện đại được xây dựng bằng vật liệu nhẹ hơn và sử dụng nhiều loại vật liệu tổng hợp hơn. Nhưng không chỉ vật liệu xây dựng góp phần gây ra nguy cơ này mà nội thất hiện đại cũng là một yếu tố góp phần làm cho đám cháy phát triển nhanh hơn và tỏa ra nhiều khói, khí độc hơn.

Hiện nay, nhựa đã trở nên nổi bật trong nhiều ngành công nghiệp và đồ nội thất gia đình cũng không ngoại lệ. Các hộ gia đình hiện đại được trang bị bằng nhiều loại nhựa và vải dệt tổng hợp. Các loại vải và lớp lót tổng hợp này đang thay thế bông, len và các vật liệu tự nhiên khác đắt hơn và kém bền hơn nhưng cũng chậm cháy hơn.

pccc 13

Chất dẻo có tốc độ tỏa nhiệt cao hơn, khiến chúng dễ bắt lửa và nguy hiểm hơn các vật liệu tự nhiên có ít khói hơn và tốc độ tỏa nhiệt thấp hơn. Các vật liệu tổng hợp phổ biến bao gồm đệm bọt polyurethane có thời gian đốt nóng và khói chết người, nylon và acrylic chứa đầy hóa chất dễ cháy và các thiết bị chứa đầy khí và khối lượng không nên kết hợp trong các trường hợp nhiệt độ cao. Tất cả những vật liệu hiện đại này hợp lực để giăng ra một cái bẫy chết người cho những người ở trong các tòa nhà, công trình và lực lượng chữa cháy, CNCH khi tiếp cận ban đầu với vụ cháy.

Ngọn lửa chỉ là một phần của vấn đề. Kể từ khi đồ nội thất tổng hợp và vật liệu xây dựng mới xuất hiện, các dấu hiệu khói đã được xác định với tần suất nhiều hơn 223%. Khi các vật liệu tổng hợp bốc cháy, khói của chúng thường chứa các chất hóa học nguy hiểm giết chết người nhanh hơn và nghiêm trọng hơn. Khói, lửa là hỗn hợp các độc tố phức tạp, trong đó HCN (Hydro Xyanua - tiếng Anh Hydrogen cyanide) là một trong những chất phổ biến và nguy hiểm nhất. Người ta thường biết đến carbon monoxide (CO) nhiều hơn nhưng HCN là anh em sinh đôi cùng với CO với mức độc hại như nhau và nếu kết hợp cùng nhau sẽ nhanh chóng gây tử vong.

Khi đám cháy bùng phát, các vật liệu tổng hợp như polyurethane và nylon tạo ra khí xyanua độc hại gọi là hydro xyanua có thể gây chết người với liều lượng nhỏ. Khí độc này được tìm thấy trong tất cả các loại đồ đạc trong tòa nhà, vật liệu cách nhiệt, thảm, thiết bị gia dụng, đồ nhựa và quần áo. Theo ước tính Hydrogen cyanide (HCN) nguy hiểm hơn tới 35% so với carbon monoxide (CO), khiến các cơ quan hô hấp bị ngạt thở.

Mặc dù CO có thể giết chết nhanh chóng, nhưng HCN lại tấn công hệ thần kinh trung ương, làm mất phương hướng của những người tiếp xúc. Tiếp xúc với HCN có thể ngăn cản chiến sỹ chữa cháy kiểm soát hiệu quả đám cháy và những người sống trong các tòa nhà công trình bị cháy thoát khỏi các tòa nhà. HCN là chất hết sức độc, hàm lượng được phép ở trong không khí là dưới 3 x 10-4 mg/l. Ngoài các đường hô hấp và tiêu hóa, HCN có thể đi vào cơ thể người ta bằng cách thấm qua da. Cả hai chất khí kịch độc này đều là sản phẩm phụ của quá trình đốt cháy vật liệu tổng hợp.

TIÊU CHUẨN XÁC ĐỊNH NỒNG ĐỘ CO TRONG KHÔNG KHÍ

pccc 13 1

Viện Sức khỏe và An toàn Lao động Quốc gia Hoa Kỳ (NIOSH) đã xác định rằng ở nồng độ 50 ppm, HCN có thể gây mất an toàn cho con người, ngay lập tức nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe (immediately dangerous to life and health - IDLH). Nhưng ngay cả ở mức độ thấp hơn nhiều, khí này cũng gây ảnh hưởng sức khỏe lâu dài. Với nồng độ 4,7 ppm, nên hạn chế tiếp xúc trong 15 phút mỗi ngày.

Sau một vụ hoả hoạn, người lính cứu hoả thường có cảm giác đau đầu, đau họng và buồn nôn. Ít người nghĩ tới những triệu chứng này là do hít phải khí độc. Theo Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), các triệu chứng ban đầu của ngộ độc xyanua bao gồm chóng mặt, thở nhanh, buồn nôn, nôn, cảm giác co thắt cổ và nghẹt thở, bối rối, bồn chồn và lo lắng.

Mặc dù phơi nhiễm HCN với nồng độ thấp không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng nó sẽ gây những hậu quả lâu dài cho sức khoẻ con người. Mỗi lần tiếp xúc, khí độc có thể phá hỏng dần các tế bào, tim, não và hệ thần kinh, đặc biệt gây thoái hoá các cơ quan trong cơ thể. Do đó, việc theo dõi nồng độ khí trong quá trình làm việc với các đám cháy đã dập tắt là điều cần được lưu tâm.

Khi chiến sỹ chữa cháy lao vào ngọn lửa, họ phải đối mặt với những nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng của mình. Chỉ với chút bất cẩn, ngọn lửa, khói và sức nóng có thế dẫn đến những hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, sau khi khống chế được ngọn lửa, chiến sỹ chữa cháy chuyển sang giai đoạn thu hồi phương tiện, dọn dẹp hiện trường cháy. Lúc này, chiến sỹ thường chủ quan và mất cảnh giác với những mối nguy hiểm nghiêm trọng từ những loại khí độc vô hình trong môi trường đó. Có những chất độc tồn tại với nồng độ đáng báo động sau những đám cháy đã được dập tắt. Họ có thể không biết sự nguy hiểm đang rình rập, tháo mặt nạ thở SCBA không đúng lúc và hít phải khí độc.

Vì vậy, những người sống và làm việc trong các tòa nhà, công trình cần phải thoát hiểm nhanh hơn khi xảy ra sự cố cháy nổ. Sau khi chuông báo cháy vang lên, đừng đợi quá 30 giây để ra ngoài, vì vật liệu xây dựng có thể phát ra khói độc và hơi nóng chết người trong vòng vài phút.

Trước thực tế trên đòi hỏi các chương trình đào tạo của lực lượng chữa cháy ngày càng phải chuyển sang các phương pháp và chương trình đào tạo mới để tập huấn, huấn luyện cho các đơn vị Cảnh sát PCCC và CNCH về những rủi ro mới. Ví dụ, cần phải có các chương trình đào tạo giúp chiến sỹ chữa cháy xác định nguồn gốc của xyanua, hiểu các tác động vật lý và tâm lý khi tiếp xúc với xyanua và học cách xử lý chúng ngay lập tức.

Đối với chiến sỹ chữa cháy, việc trang bị thiết bị an toàn cá nhân là hết sức cần thiết và quan trọng để bảo vệ khỏi những mối đe dọa trong đám cháy. Do chiến sỹ chữa cháy phải tiếp xúc với đám cháy nóng hơn, nhanh hơn và độc hại hơn, nên họ cần phải được trang bị trang phục chữa cháy chuyên dụng và thiết bị có thể bảo vệ hệ thần kinh và duy trì mức oxy trong khí thở của họ, đó là bộ mặt nạ phòng độc cách ly (thiết bị thở khép kín- SCBA). Mọi chiến sỹ chữa cháy đều phải sử dụng SCBA của mình để tránh hít phải khói và khí độc. Vì vậy, cần phải đào tạo chuyên sâu hơn để đảm bảo chiến sỹ chữa cháy biết chính xác cách sử dụng hợp lý trong mọi tình huống các SCBA của họ.

Điều quan trọng là phải dựa vào các trang thiết bị bảo vệ an toàn cá nhân mà bạn biết cách sử dụng thành thạo và lựa chọn thiết bị đúng để không làm tăng rủi ro cho chính chiến sỹ chữa cháy./.

Đại tá Vũ Sơn Lâm/Giám đốc TT1, Cục Cảnh sát PCCC và CNCH

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây