Việc sử dụng điện thoại ở các trạm xăng là điều cực kỳ nguy hiểm vì nó có thể là nguyên nhân gây ra cháy nổ. Điều này đã được các nhà khoa học trên thế giới thuyết giải và cảnh báo, có thể hiểu đại khái rằng điện thoại hoạt động phát sinh tia lửa điện, khi đứng gần cây xăng sẽ gây cháy. Tuy nhiên, tình trạng người dân tranh thủ sử dụng điện thoại trong khi đổ xăng vẫn liên tục tái diễn, bởi sự chủ quan và ý thức kém của người sử dụng phương tiện giao thông.
“Nhiều người khi thấy có chuông điện thoại thì nghe theo thói quen, chứ chưa ý thức được nguy hiểm. Trong trường hợp đó, nếu tự giác thì mình ra chỗ khác nghe điện thoại”. Một nhân viên cho biết thêm: “Nhiều khách hàng vào đây nghe điện thoại, mình phải nhắc nhở khách hàng, vì theo quy định không được nghe điện thoại trong cây xăng”.
Điểm qua một số trạm đổ xăng tại các thành phố lớn, đa số các trạm xăng đều có treo biển báo cấm không sử dụng điện thoại di động. Tuy nhiên, tình trạng người sử dụng phương tiện xe máy tranh thủ đổ xăng gọi điện thoại, nhắn tin thường xuyên diễn ra trong khuôn viên của trạm đổ xăng, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra. Những người bán xăng tại các cửa hàng xăng dầu, rất khó khăn trong việc nhắc nhở các trường hợp như thế này. Đa phần, khách đều tỏ thái độ bất hợp tác vì họ cho rằng hành vi nghe điện thoại là việc riêng tư, là quyền của mình, không ai được cấm cản ở bất kỳ đâu. Các nhân viên cho biết, khi được nhắc nhở, khách vẫn phớt lờ, điềm nhiên nghe hết các cuộc điện thoại, thậm chí to tiếng với nhân viên cây xăng, với lý do: nghe một chút, có làm sao đâu!
Có lẽ, thái độ thờ ơ với sự an toàn của chính bản thân mình và những người khác cùng có mặt trong trạm xăng xuất phát từ hai lý do chính. Thứ nhất, đó là người sử dụng phương tiện giao thông chủ quan, nhận thức còn thấp nên xem nhẹ mức độ nguy hiểm của việc dùng điện thoại ở trạm đổ xăng. Tại Việt Nam, hầu như chưa có những vụ cháy nổ nghiêm trọng do các chủ phương tiện sử dụng điện thoại trong lúc bơm, đổ xăng. Trên thực tế, cháy nổ tại các trạm xăng do sóng và tia lửa điện của điện thoại di động là một trong những ám ảnh kinh hoàng của những người tham gia giao thông tại các quốc gia khác.
Dư luận thế giới vẫn chưa hết bàng hoàng trước vụ việc xảy ra vào năm 2015, tại nhà ga Chét-rôn, tại thành phố Ma-ri-át-ta của Mỹ. Theo đó, một người đàn ông đến trạm xăng trên đổ xăng trong khi vẫn sử dụng điện thoại di động, bỗng nhiên, một tiếng nổ lớn phát lên, và cả chiếc xe bốc cháy. Đám cháy nhanh chóng lan sang người đàn ông và nhân viên trạm xăng khiến cả hai bị thương nặng và ngất đi. Ngay sau đó, đội cứu hộ Mỹ đã được điều tới và hai người đàn ông được đưa đến bệnh viện để điều trị. Sau vụ việc, chiếc xe của nạn nhân bị thiêu rụi hoàn toàn, trong khi vòi bơm xăng vẫn còn dính trên miệng bình xăng của xe.
Thực tế, khi được nhắc nhở không sử dụng điện thoại tại các trạm xăng dầu, các chủ phương tiện thường phật ý vì ý nghĩ chủ quan, sử dụng điện thoại một chút thì không có vấn đề gì. Đó là vì họ vẫn chưa hiểu hết nguyên nhân phát sinh tia lửa điện trong quá trình bơm xăng dầu.
Chia sẻ về điều này, Đại Tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám Đốc Phòng Cảnh Sát Phòng Cháy Chữa Cháy Tại Thành Phố Hà Nội, cho biết: “Sử dụng điện thoại có hiện tượng thu và phát. Trong quá trình thu-phát có thể làm phát sinh tia lửa điện. Và cũng trong quá trình đó, có thể làm ảnh hưởng đến các thiết bị điện tử tại các cửa hàng xăng dầu, gây ra cháy nổ tại các cửa hàng xăng dầu”.
Đại Tá Nguyễn Văn Sơn nói:
Để người tham gia giao thông hiểu rõ hơn về cấu tạo hoạt động nguồn pin điện thoại, PGS. Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Trung, nguyên Trưởng Khoa Điện Tử Viễn Thông của Đại học Bách Khoa Hà Nội, chia sẻ: “Ở đây có nguồn pin, khi tiếp xúc với nguồn để trong điện thoại, mà tiếp xúc không tốt, thì sẽ bị đánh tia lửa điện, và tia lửa điện sẽ gây cháy”.
PGS. Tiến Sĩ Nguyễn Quốc Trung nói:
Sở dĩ những hành vi sử dụng điện thoại di động trong quá trình bơm đổ xăng tại các trạm xăng dầu cứ liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, phần lớn xuất phát từ việc người dân chưa ý thức được nguyên nhân gây ra những vụ cháy, cũng như thiếu đi những trực quan sinh động, làm bài học cảnh tỉnh cho sự an toàn của chính mình, cũng như của những người xung quanh.
Sử dụng điện thoại trong quá trình bơm xăng dầu là một trong những nguyên nhân chính của việc hình thành tia lửa điện, gây nên các vụ cháy nổ tại các trụ điểm bơm, đổ xăng. Tuy nhiên, phần lớnmọi ngườivẫn chưa nhận thức đầy đủ bởi cho rằng những nguy cơ rủi ro, hiểm họa xa vời đó sẽ không xảy đến với mình. Bên cạnh đó, những nguyên nhân chuyên môn khác đã được khoa học - kỹ thuật diễn giải để chúng ta hiểu rọ mức độ nguy hiểm của hành vi. Nên khả năng chính chúng ta là kẻ gây ra cháy nổ không phải là chuyện xa vời, chỉ ở trong trí tưởng tượng. Hậu quả cháy nổ thì thật sự khó lường, tổn thất về người và tài sản sẽ cũng vô cùng to lớn. Vì vậy, cần thay đổi ngay từ gốc, đó chính là khả năng nhận thức hành vi của mỗi người khi tham gia điều khiển phương tiện giao thông và dừng đổ xăng.
Để người dân tham gia tích cực vào việc không sử dụng điện thoại di động thì các nhà quản lý, chủ cây xăng, lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền ý thức chấp hành quy định phòng cháy chữa cháy trong nhân dân và tổ chức, nâng cao ý thức phòng chống cháy nổ tại cây xăng.
Bên cạnh đó, quy định cần phải được thông tin nhiều lần/ngày trên các phương tiện truyền thông đại chúng như radio, tivi, đài phát thanh và kể cả các bản tin của khu phố. Nhà trường cũng cần giáo dục, nâng cao hiểu biết về an toàn cháy nổ để học sinh, sinh viên ý thức hơn về hành vi không sử dụng điện thoại trong khi đổ xăng tại các cửa hàng xăng dầu. Vấn đề “an ninh con người” tuy là vấn đề chung của cả xã hội, nhưng lại phải xuất phát từ ý thức nhỏ nhất của người dân. Nhận thức làm sao bảo vệ an toàn cho bản thân cũng là một cách gìn giữ an toàn cho những người khác. Nhà nước cũng cần có những quy định rõ ràng trong luật giao thông đường bộ về hành vi cấm sử dụng điện thoại tại các cửa hàng xăng dầu. Phải có chế tài và thường xuyên xử phạt làm gương thì tính răn đe mới cao.
Về lâu dài, chính mỗi người dân cần phải nâng cao dân trí, từ đó nâng tầm nhận thức của mình cao hơn trong việc bảo vệ an toàn tính mạng cho mình và những người xung quanh.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn