Sự chỉ đạo xuyên suốt của Đảng trong gần 15 năm triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) chính là cội nguồn sức mạnh mang lại sức sống và hiệu quả lớn của chương trình đầy ý nghĩa này.
Sự chỉ đạo xuyên suốt
CVĐ được triển khai từ năm 2009, bắt nguồn Thông báo Kết luận số 264-TB/TƯ ngày 31/07/2009 của Bộ Chính trị về tổ chức CVĐ. Từ thông báo kết luận được đánh giá là “vô cùng quan trọng” thời kỳ đó, Ban Bí thư Trung ương ra Quyết định số 225 ngày 4/9/2009, thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ với 23 thành viên do Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam làm Trưởng ban; lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên. Từ chủ trương của Bộ Chính trị, được “tiếp lửa” bằng quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, quá trình triển khai CVĐ được đánh giá rất bài bản khi có sự chỉ đạo xuyên suốt, tạo điều kiện cho các kế hoạch được triển khai cụ thể về thôngmtin tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, bảo vệ người tiêu dùng...
Là bộ quản lý đa ngành liên quan mật thiết đến CVĐ, ngay sau khi có Thông báo của Bộ Chính trị, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 5839/ QĐ-BCT ngày 19/11/2009 về việc ban hành Chương trình hành động của Bộ Công Thương thực hiện CVĐ của Bộ Chính trị.
Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) - cho biết, trong suốt 15 năm qua, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương luôn giao cho một đồng chí Ủy viên Ban Cán sự Đảng làm Trưởng Ban Chỉ đạo CVĐ của Bộ. Hàng năm, Bộ Công Thương đều có chương trình hành động trên cơ sở triển khai các nghị quyết của Đảng và Nhà nước lồng ghép vào thực hiện CVĐ, từ sản xuất, kinh doanh đến bảo vệ người tiêu dùng. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn... liên tục được đổi mới, giúp hàng Việt Nam chinh phục tốt hơn người tiêu dùng trong nước.
Đến năm 2014, sau Hội nghị tổng kết 5 năm CVĐ, Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục ban hành Kết luận số 107 ngày 10/4/2015 về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với CVĐ. Sau đó đúng 7 năm, ngày 19/5/2021, thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư - đã ký ban hành Chỉ thị số 03-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đốivới CVĐ trong tình hình mới.
Như vậy, có thể nói, xuyên suốt 15 năm qua, CVĐ được triển khai dưới sự chỉ đạo sát sao, bài bản của Đảng. Đây chính là một trong những lý do giúp CVĐ huy động được sức mạnh đoàn kết của toàn dân, nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của doanh nghiệp và người dân. Không còn ở thế yếu so với hàng ngoại như những năm trước, sau gần 15 năm thực hiện CVĐ, tỷ lệ người dân dùng hàng Việt đã tăng lên mạnh mẽ.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp và sự đồng hành của người tiêu dùng, đến nay, CVĐ đã dần làm thay đổi nhận thức, tâm lý của các doanh nghiệp cung ứng cũng như người tiêu dùng về hàng xuất xứ trong nước. Hàng Việt ngày càng chiếm niềm tin của khách hàng do cơ bản có nguồn gốc, nhãn hiệu; chất lượng ngày càng cải thiện và được công bố rõ ràng, nhiều loại hàng hóa gắn tem truy xuất để người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu về sản phẩm.
Ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op - cho biết, trong nhiều năm qua, Saigon Co.op luôn ủng hộ và sẵn sàng giao lưu hợp tác với các cơ sở sản xuất, ngành hàng nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhằm tạo cơ hội và điều kiện phát triển cho các cơ sở sản xuất quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, phát triển kinh doanh. Hiện, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống phân phối của Saigon Co.op đã đạt hơn 90%. Toàn hệ thống đang sở hữu rất nhiều mô hình như đại siêu thị, siêu thị, cửa hàng thực phẩm tiện lợi..., lượng hàng Saigon Co.op phân phối ra thị trường mỗi ngày rất lớn. Mỗi siêu thị Co.opmart đang kinh doanh hơn 30.000 mặt hàng mỗi ngày. Bình quân mỗi tháng, Saigon Co.op đưa 1.700 mặt hàng mới lên kệ.
Sự vào cuộc của các doanh nghiệp đã giúp hàng Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn. Cụm từ “hàng Việt” từ lâu đã len lỏi đến từng ngõ ngách, thôn bản, làng xã và các gia đình người Việt. Từ sự thân quen, gần gũi, đã trở thành niềm tin; không ít người tiêu dùng đã chọn hàng Việt Nam là số 1 trong giỏ hàng hóa mua sắm của cá nhân và gia đình. Khảo sát tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Co.opmart, Vinmart, Hapro... cho thấy, hàng Việt đang chiếm tỷ lệ áp đảo với 90 - 95%. Còn tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Mega Market, Big C, hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ từ 60 - 96%. Tại kênh phân phối là các chợ, cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam cũng từ 60% trở lên.
Điều này cho thấy, nhận thức của người tiêu dùng đã thay đổi, không chỉ là sự vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam mà hiện tại, hàng Việt Nam đã trở thành lựa chọn không thể thiếu của người tiêu dùng Việt.
Đặc biệt, nhờ CVĐ, hàng Việt Nam đã không chỉ định danh ở thị trường nội địa mà còn vươn xa ra thế giới. Nhiều thương hiệu Việt Nam đã dần được người tiêu dùng thế giới biết đến như Vinamilk, TH True Milk, cà phê Trung Nguyên, gạo Lộc Trời... đã lan tỏa tinh thần và giá trị Việt Nam.
Khẳng định vai trò trong gian khó
Đặc biệt, trong giai đoạn bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, doanh nghiệp kiệt quệ, sức chịu đựng của người dân đã đến giới hạn, CVĐ được triển khai rộng rãi hơn, quán triệt sâu sắc hơn đến tất cả các cấp, ngành, địa phương, đông đảo doanh nghiệp và người dân.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương CVĐ - nhấn mạnh, CVĐ đã đảm bảo cung ứng hàng hóa, đặc biệt hàng hóa thiết yếu, đến mọi miền đất nước bởi vì, đồ ăn, thức uống, các sản phẩm thiết yếu nhất cho người dân trên khắp đất nước, kể cả vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo đều là hàng Việt Nam.
Nếu không có doanh nghiệp sản xuất hàng Việt và doanh nghiệp phân phối đưa hàng hóa lưu thông đến các khu vực, không thể đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa để chống dịch thành công và không thể đảm bảo thực hiện tốt các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Các doanh nghiệp đánh giá rất cao việc trong bối cảnh khó khăn nói chung, CVĐ đã giúp tiêu thụ hàng hóa và góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp siêu nhỏ.
Từ giai đoạn đó đến nay, hàng Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế ở thị trường nội địa thông qua việc chiếm tỷ lệ cao ở các kênh phân phối. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2023 dự kiến đạt tăng trưởng 9% - điểm sáng của kinh tế vĩ mô trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy, phong trào vận động người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa đã tạo ra những thương hiệu vang danh thế giới như Toyota, Samsung... nhưng để người tiêu dùng chọn mua, hàng hóa đó phải có chất lượng.
“Giai đoạn tới, doanh nghiệp phải chủ động sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, những mặt hàng tinh hoa hàng Việt Nam để chinh phục lòng tin của người tiêu dùng. Nhà nước sẽ quan tâm, ưu tiên hỗ trợ bằng cách đẩy mạnh chống hàng nhái, hàng giả, xây dựng cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động chứ không làm thay hoặc mãi vận động người tiêu dùng ưu tiên” - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn