Việc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ chưa được thực hiện nghiêm túc, nhất là với các cơ quan nhà nước, các hộ kinh doanh, tiểu thương ở các chợ, trung tâm thương mại, bệnh viện…
Báo cáo Kết quả giám sát về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy giai đoạn 2014 - 2018” của Đoàn Giám sát Quốc hội khóa XIV cho thấy, trong giai đoạn 2014 - 2018, việc thực hiện quy định của Luật PCCC về mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đã có những tiến triển tích cực.
Toàn quốc đã có 52.771 cơ sở mua bảo hiểm cháy, nổ, chiếm 60%; có 34.116 cơ sở thuộc diện nhưng chưa mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, chiếm 40%, trong đó chủ yếu là các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa có nguy cơ cháy nổ cao, các cửa hàng trong các chợ, trung tâm thương mại, các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước.
“Việc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ chưa được thực hiện nghiêm túc, nhất là với các cơ quan nhà nước, các hộ kinh doanh, tiểu thương ở các chợ, trung tâm thương mại, bệnh viện… và tính lợi ích của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm” – Báo cáo nêu.
Kết quả giám sát cho thấy, nguyên nhân của việc các cơ sở chưa thực hiện việc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cơ bản là do người đứng đầu cơ sở chưa nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; chế tài, hình thức xử lý còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe; chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp bán bảo hiểm nên trong nhiều trường hợp, các cơ sở có nhu cầu mua bảo hiểm cháy, nổ nhưng bị doanh nghiệp bán bảo hiểm từ chối bán với nhiều lý do… trong đó có nguyên nhân nặng về tính lợi ích của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm.
Bên cạnh đó, “một số trụ sở, cơ quan nhà nước thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc nhưng chưa có quy định cụ thể về nguồn kinh phí nên khó thực hiện; việc công khai danh sách các cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tại nhiều địa phương còn chưa thực hiện được” – Báo cáo cho biết thêm.
Chính vì vậy, Báo cáo giám sát đã đề nghị rà soát, nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Phòng cháy chữa cháy kịp thời đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm về quy định trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm thống nhất với quy định mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của Luật Phòng cháy chữa cháy.
Trong phần thảo luận tại hội trường, đại biểu Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) cũng đề nghị cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mua bán bảo hiểm cháy nổ phải thực hiện theo đúng quy định của Điều 9 Luật Phòng cháy chữa cháy, Điều 2 Nghị định 46 của Chính phủ và Thông tư liên tịch của Bộ Công an và Bộ Tài chính./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn