HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN TRÁCH NHIỆM PCCC VÀ CNCH CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CƠ SỞ

Thứ ba - 05/05/2020 03:28
Thực tế cho thấy, ở đâu người đứng đầu cơ sở quan tâm đến công tác PCCC thì ở đó công tác PCCC mới thật sự tốt. Tuy nhiên trong thời gian qua có một số ít người đứng đầu cơ sở vẫn chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác PCCC và CNCH của cơ sở và địa bàn được giao quản lý...

Trách nhiệm PCCC và CNCH của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở (sau đây viết gọn là cơ sở) được quy định tại Điều 5 Luật PCCC, cụ thể hóa tại Nghị định số 79/2014/NĐCP và Nghị định số 83/2017/NĐ-CP. Bao gồm:

1. Trách nhiệm trong việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC và CNCH

1.1 Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và kiến thức về PCCC, CNCH phù hợp với từng đối tượng quản lý (theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5, khoản 2 Điều 6 Luật PCCC và khoản 2 Điều 7 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP) .

1.2. Hàng năm, phê duyệt chương trình, kế hoạch, kinh phí và chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC và CNCH phù hợp với từng đối tượng tại cơ sở (cơ sở tự tổ chức tuyên truyền hoặc đề nghị cơ quan Công an tổ chức); cập nhât, bổ sung trong sổ theo dõi công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH của cơ sở.

2. Trách nhiệm trong việc thành lập, duy trì hoạt động của đội PCCC cơ sở, chuyên ngành

2.1. Ban hành quyết định thành lập, quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ của đội PCCC cơ sở, chuyên ngành; việc thành lập, quản lý, bảo đảm điều kiện hoạt động của đội PCCC cơ sở, chuyên ngành phải bảo đảm quy định sau:

- Tổ chức, quản lý hoạt động của Đội PCCC cơ sở, chuyên ngành thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP và Điều 15 Thông tư số 66/2014/TT-BCA (Đ iều 31 Nghị định thay thế nghị định số 79/2014/NĐ-CP, áp dụng sau khi Nghị định này có hiệu lực thi hành).

- Nhiệm vụ của đội PCCC cơ sở, chuyên ngành: Nhiệm vụ PCCC được quy định cụ thể tại Điều 45 Luật PCCC, nhiệm vụ CNCH được quy định tại Điều 27 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP. Các nhiệm vụ này phải được cụ thể hóa kèm theo Quyết định thành lập Đội PCCC cơ sở, chuyên ngành.

- Bảo đảm chế độ chính sách đối với cán bộ, đội viên đội PCCC cơ sở, chuyên ngành theo quy định của Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT-BLĐTBXH-BCA-BTC ngày 10/12/2015 Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Bộ Công an;

- Trang bị phương tiện, thiết bị PCCC cho Đội PCCC cơ sở, chuyên ngành theo quy định của Thông tư số 56/2014/TT-BCA, Thông tư số 65/2013/TT- BCA, Thông tư số 48/2015/TT-BCA và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).

(việc thành lập đội PCCC cơ sở, chuyên ngành được căn cứ theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 và Điều 44 Luật PCCC)

2.2. Căn cứ quy mô, tính chất hoạt động của cơ sở để quyết định về tổ chức, biên chế Đội PCCC cơ sở, chuyên ngành hoặc tổ PCCC tại các phân xưởng, bộ phận làm việc độc lập hoặc theo ca của cơ sở; lựa chọn người tham gia Đội PCCC bảo đảm số lượng quy định và phù hợp với công tác PCCC, CNCH của cơ sở; lưu Quyết định trong hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động PCCC, CNCH của cơ sở và gửi đến cơ quan Công an trực tiếp quản lý địa bàn, cơ sở .

Cơ sở đã thành lập và duy trì hoạt động của Đội PCCC cơ sở, chuyên ngành, định kỳ rà soát để đưa ra khỏi danh sách những người không bảo đảm tiêu chuẩn và bổ sung thêm đội viên đảm bảo về số lượng quy định và yêu cầu công tác PCCC, CNCH tại cơ sở (những thay đổi này phải được bổ sung, điều chỉnh tại Quyết định thành lập).

3. Trách nhiệm trong việc ban hành theo thẩm quyền nội quy và biện pháp về PCCC và CNCH

3.1. Ban hành Quyết định kèm theo nội quy, biện pháp PCCC, nội quy về công tác CNCH phù hợp với từng khu vực của cơ sở; việc ban hành nội quy, biện pháp phải bảo đảm quy định sau:

- Nội dung nội quy, quy định về PCCC bảo đảm theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 66/2014/TT-BCA,

- Nội dung nội quy, quy định về CNCH bảo đảm theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 08/2018/TT-BCA.

(theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 5 Luật PCCC và Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 08/2018/TT-BCA).

3.2. Căn cứ tính chất nguy hiểm cháy, nổ của từng khu vực, hạng mục thuộc cơ sở ( ví dụ: Nhà đa năng có công năng gara để xe, TTTM, văn phòng, khách sạn, chung cư...; nhà công nghiệp gồm: Nhà sản xuất, kho chứa, phụ trợ...) để ban hành nội quy, biện pháp PCCC và CNCH phù hợp với từng hạng mục, khu vực có (nội quy, biện pháp về PCCC, CNCH có thể được ban hành riêng hoặc chung trong một quyết định) . Chỉ đạo, tổ chức phổ biến các quy định, biện pháp PCCC và CNCH cho CBCNV của cơ sở; niêm yết nội quy, quy định tại các khu vực theo quy định và giám sát việc thực hiện; lưu trong hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động PCCC và CNCH của cơ sở.

Trường hợp, cơ sở có thay đổi về pháp lý của cơ sở (tên cơ sở, người đứng đầu cơ sở...), quy mô, tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy, CNCH, người đứng đầu cơ sở rà soát, sửa đổi bổ sung hoặc ban hành nội quy, biện pháp PCCC và CNCH thay thế phù hợp với đặc điểm, tính chất hoạt động của cơ sở. Đối với cơ sở có nhiều cơ quan tổ chức cùng hoạt động trong phạm vi của cơ sở, người đứng đầu cơ quan, tổ chức này có trách nhiệm thực hiện nội quy, quy định chung của cơ sở và ban hành các nội quy, quy định về PCCC và CNCH đối với khu vực thuộc phạm vi quản lý.

4. Trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về PCCC và CNCH

4.1. Tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC và kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn về CNCH của người đứng đầu cơ sở (theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 5 Luật PCCC, Điều 18 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP và Điều 12 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP; Điều 16 Nghị định thay thế Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, áp dụng sau khi Nghị định này có hiệu lực thi hành).

4.2. Trình tự kiểm tra:

a) Quy định cụ thể thời gian, nội dung, số lần kiểm tra phù hợp với tính chất nguy hiểm cháy, nổ và yêu cầu hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở (kiểm tra theo mỗi ca sản xuất, hàng ngày, hàng tuần, tháng, quý....); chủ trì hoặc phân công cho đơn vị, cá nhân trực thuộc thực hiện công tác kiểm tra tại cơ sở (đội PCCC cơ sở, chuyên ngành, người quản lý các bộ phận, khu vực thuộc cơ sở...).

b) Căn cứ Quy định đã được phê duyệt, đơn vị, cá nhân được phân công nhiệm vụ tổ chức kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH đối với cơ sở, lưu ý:

- Hoạt động kiểm tra trước và sau mỗi ca làm việc, hàng ngày, tuần:

+ Đối với hoạt động sản xuất: Các yêu cầu về an toàn PCCC, CNCH khi khởi động, dừng hoạt động của dây chuyền công nghệ, các thiết bị có nguy cơ cháy, nổ cao; khu vực sản xuất, tồn chứa, sử dụng... nhiều chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ, hóa chất có nguy hiểm cháy, nổ, độc; khu vực có nguy cơ hình thành môi trường nguy hiểm cháy, nổ; an toàn trong sử dụng các thiết bị điện, thiết bị sinh nhiệt, nguồn lửa, nguồn nhiệt; việc bảo đảm vệ sinh công nghiệp...

+ Đối với hoạt động tồn chứa (kho chứa): Các yêu cầu về an toàn PCCC khi xuất, nhập, bảo quản chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ; số lượng, chủng loại vật tư, hàng hóa được tồn chứa, sắp xếp hàng hóa trong các kho chứa, nơi tập kết hàng hóa, đặc biệt là khu vực tồn chứa hóa chất; an toàn trong sử dụng các thiết bị điện, thiết bị sinh nhiệt, nguồn lửa, nguồn nhiệt sau mỗi ca làm việc...

+ Đối với trụ sở, văn phòng: Việc bảo đảm an toàn PCCC trong bố trí các gian phòng, khu vực làm việc, kho chứa; sử dụng thiết bị điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt phục vụ kinh doanh, sinh hoạt (bố trí lối ra thoát nạn, khu vực đun nấu, thắp hương thờ cúng, đốt vàng mã...); việc sắp xếp phương tiện và điều kiện bảo đảm thông gió tại gara để xe...

+ Đối với cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ: Việc bố trí hàng hóa, các loại hàng hóa tại các quầy hàng, ky ốt, kho chứa có đúng quy định không; an toàn trong sử dụng các thiết bị điện, thiết bị sinh nhiệt, nguồn lửa, nguồn nhiệt tại các ky ốt, cơ sở trong và ngoài giờ hành chính.

+ Đối với khu vực tồn chứa, sử dụng hoặc hệ thống cung cấp, sử dụng khí đốt, sản phẩm dầu mỏ: Việc thực hiện quy trình đóng, mở, xuất, nhập, sử dụng trước và sau khi sử dụng; duy trì hoạt động của hệ thống cảnh báo hơi, khí..., hệ thống thiết bị điện, nhất là tại khu vực có yêu cầu phòng nổ, chống ẩm ướt; duy trì các giải pháp thông gió, chống tích tụ có nguy cơ hình thành môi trường nguy hiểm cháy, nổ; việc sử dụng các thiết bị sinh lửa, sinh nhiệt, nguồn lửa, nguồn nhiệt, các thiết bị thuộc danh mục cấm trong quá trình hoạt động.

+ Đối với hệ thống, thiết bị PCCC: Tình trạng hoạt động của hệ thống, thiết bị PCCC (không bắt buộc phải vận hành hệ thống); số lượng, vị trí bố trí phương tiện PCCC và CNCH theo quy định; công tác thường trực của lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành. Đối với các cơ sở trang bị xe chữa cháy, hàng ngày phải nổ máy vận hành động cơ 15 phút...;

+ Khi thực hiện hàn cắt tại nơi có nguy cơ xảy ra cháy, nổ, cần tổ chức kiểm tra an toàn PCCC trước, trong, sau khi hàn cắt.

- Hoạt động kiểm tra hàng tháng hoặc hàng quý: Cần kiểm tra đầy đủ các nội dung đối với cơ sở được quy định tại Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP (Điều 16 Nghị định thay thế Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, áp dụng sau khi Nghị định này có hiệu lực thi hành) , tập trung một số nội dung sau:

+ Việc quản lý, bổ sung, cập nhật hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC và CNCH, đặc biệt là bổ sung, cập nhật những thay đổi liên quan đến công tác PCCC và CNCH của cơ sở.

+ Việc duy trì các điều kiện an toàn PCCC và CNCH các điều kiện an toàn về PCCC đối với cơ sở; biện pháp phòng ngừa sự cố, tai nạn của cơ sở;

+ Việc duy trì hoạt động của Đội PCCC cơ sở, chuyên ngành: Bố trí lực lượng, phương tiện thường trực trong mỗi ca trực; triển khai tình huống giả định để xem khả năng xử lý khi có cháy, nổ, sự cố tai nạn xảy ra tại cơ sở (phát hiện, báo cháy, triển khai các hoạt động chữa cháy, CNCH…).

Lưu ý: Công an các địa phương cần nghiên cứu tham khảo Phụ lục hướng dẫn kiểm tra của C07 để xây dựng tài liệu hướng dẫn người đứng đầu cơ sở thực hiện công tác kiểm tra phù hợp với từng loại hình cơ sở (các nội dung này đã được đăng tải tại địa chỉ http:canhsatpccc.gov.vn → Hướng dẫn nghiệp vụ → Công tác PCCC, mật khẩu từ file đính kèm: kiemtrac07).

c) Kết thúc kiểm tra thực tế: Tổng hợp kết quả kiểm tra, thông báo, đánh giá về ưu điểm và những tồn tại, thiếu sót, vi phạm về PCCC và CNCH tại cơ sở, lập biên bản kiểm tra và ký xác nhận của người chủ trì kiểm tra và người đại diện khu vực, hạng mục, cơ sở được kiểm tra .

d) Kết thúc kiểm tra:

- Báo cáo kết quả kiểm tra cho người đứng đầu cơ sở để nắm bắt, chỉ đạo khắc phục các tồn tại, vi phạm tại cơ sở.

- Định kỳ hàng Quý xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra gửi Cơ quan Công an quản lý trực tiếp cơ sở (Đối với cơ sở thuộc danh mục do cơ quan Công an quản lý về PCCC);

- Lưu biên bản kiểm tra và báo cáo trong hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động PCCC và CNCH.

5. Trách nhiệm trong việc xây dựng, thực tập phương án chữa cháy, phương án CNCH

5.1. Xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ.

a) Tổ chức xây dựng phương án chữa cháy sử dụng lực lượng, phương tiện tại chỗ đối với cơ sở; việc tổ chức xây dựng, thực tập phương án chữa cháy bảo đảm theo quy định định tại Điều 21 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP và Điều 12 Thông tư số 66/2014/TT-BCA (Điều 19 Nghị định thay thế Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, áp dụng sau khi Nghị định này có hiệu lực thi hành) .

(việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 5 và Điều 31 Luật PCCC).

b) Tổ chức, chỉ đạo xây dựng phương án, kế hoạch cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi quản lý của mình; việc tổ chức xây dựng, thực tập phương án, kế hoạch cứu nạn, cứu hộ bảo đảm theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP.

5.2. Chỉ đạo, tổ chức khảo sát, xây dựng phương án chữa cháy, phương án CNCH của cơ sở hoặc bổ sung, chỉnh lý phương án khi có những thay đổi lớn về quy mô, tính chất, đặc điểm nguy hiểm về cháy, nổ, độc và các điều kiện liên quan đến hoạt động chữa cháy, CNCH; phê duyệt phương án chữa cháy, phương án CNCH theo thẩm quyền và đề nghị Cơ quan Công an phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở thuộc danh mục cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ theo quy định khoản 3 điều 12 Thông tư số 66/2014/TT-BCA; tổ chức phổ biến phương án và thực tập phương án (phương án chữa cháy được thực tập không ít hơn một lần/năm; p hương án CNCH được thực tập ít nhất hai năm một lần; thực tập đột xuất khi có yêu cầu bảo đảm về an toàn PCCC đối với các sự kiện đặc biệt về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương hoặc quốc gia theo yêu cầu của người có thẩm quyền phê duyệt phương án) , lập báo cáo kết quả thực tập phương án, lưu trong hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động PCCC và CNCH của cơ sở .

6. Trách nhiệm trong việc huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH

6.1. Huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH

a) Tổ chức huấn luyện nghiệp vụ về PCCC cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý; việc huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCC phải bảo đảm theo quy định tại Điều 34 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP và Điều 16 Thông tư số 66/2014/TT-BCA (Điều 33 Nghị định thay thế Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, áp dụng sau khi Nghị định này có hiệu lực thi hành) .

(theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 5 Luật PCCC).

b) Tổ chức bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ về CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành; việc huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ CNCH phải bảo đảm theo quy định khác tại Điều 11 Nghị định số 83/2017/NĐ-CP.

6.2. Hàng năm, phê duyệt chương trình, kế hoạch, kinh phí và chỉ đạo, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho các đối tượng theo quy đinh, đề nghị cơ quan Công an tổ chức kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ về PCCC và CNCH (trường hợp cơ sở không tự tổ chức huấn luyện, đề nghị cơ quan công an tổ chức huấn luyện, kiểm tra, cấp giấy chứng nhận) ; cập nhât, bổ sung trong sổ theo dõi công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH của cơ sở và Giấy chứng nhận huấn luyện cho đội viên đội PCCC trong hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động PCCC và CNCH của cơ sở.

7. Lập hồ sơ theo dõi, quản lý hoạt động PCCC, CNCH của cơ sở và báo cáo, thống kê về PCCC và CNCH

7.1. Lập kết hợp hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC với hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động CNCH của cơ sở: Việc lập hồ sơ cần lưu ý việc kết hợp trong ban hành nội quy, biện pháp PCCC, CNCH; bổ sung nhiệm vụ CNCH và phân công thường trực CNCH của Đội PCCC cơ sở, chuyên ngành; sổ theo dõi các hoạt động về PCCC, CNCH…., thành phần phải bảo đảm theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 66/2014/TT-BCA và Điều 9 Thông tư số 08/2018/TT-BCA.

(Việc lập h ồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động CNCH đối với cơ sở kết hợp với hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC t heo quy định tại Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 08/2018/TT-BCA ) .

7.2. Kết hợp thực hiện việc thống kê, báo cáo về CNCH với thống kê, báo cáo về PCCC: Thống kê, báo cáo về CNCH được thực hiện kết hợp với thống kê, báo cáo về PCCC (theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 66/2014/TT-BCA; Điều 10 Thông tư số 08/2018/TT-BCA ).

Ngoài những trách nhiệm cụ thể nêu trên, người đứng đầu cơ sở còn có trách nhiệm phân công, phân cấp và kiểm tra đôn đốc, đánh giá trong quản lý, thực hiện công tác PCCC và CNCH tại cơ sở do mình phụ trách, các đơn vi, cá nhân có chức trách, trách nhiệm tổ chức thực hiện.

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây