Xây dựng “Văn hóa số” giúp “Chuyển đổi số” thành công
Thứ năm - 30/03/2023 23:44
Khi xây dựng được văn hóa số sẽ giúp các tổ chức trở nên linh hoạt hơn, khuyến khích lực lượng lao động nâng cao khả năng ứng phó với những thử thách mới và duy trì quá trình chuyển đổi số; Giúp doanh nghiệp duy trì sức cạnh tranh thông qua khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh; Khai thác hiệu quả công nghệ vào toàn bộ quá trình hoạt động.
Còn nhớ vào năm 1997, lần đầu tiên người dân nước ta tiếp cận với Internet – một trong những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3. Khi ấy, nhiều người bắt đầu học cách tạo một tài khoản e-mail để trao đổi thông tin, học cách sử dụng ứng dụng mạng xã hội để trò chuyện… Đây có thể nói là một bước chuyển ngoạn mục. Và đến thế kỷ 21, kế thừa các phát minh vượt trội của 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó, đồng thời đổi mới để thích nghi với nhu cầu sống hiện đại, công nghệ 4.0 được hình thành với sứ mệnh chuyển hóa thế giới thật thành thế giới số, tiếp tục đem đến những thay đổi vô cùng mạnh mẽ. Trong tất cả các đổi mới, công nghệ là lĩnh vực phản ánh chân thật và nổi bật nhất sự bùng nổ của cuộc cách mạng này. Với các phát minh của thời đại số, Việt Nam bắt đầu xây dựng Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số, Thành phố số, Doanh nghiệp số, Trường học số… Tuy nhiên đây là một quá trình đầy khó khăn, như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nói “nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia rất nặng nề, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi cả về tư duy, nhận thức và hành động; từ quy mô quốc gia hòa nhập với thế giới; chuyển từ thủ công truyền thống sang môi trường số; phải đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, quản trị, điều hành; đổi mới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả”. (Trích phát biểu của Thủ tướng chính phủ tại Phiên họp thứ 5 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai đề án 06 của Chính phủ).
Là một đơn vị trực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) đã quyết liệt thực hiện chủ đề năm 2021 - “Chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Quốc gia Việt Nam”, phấn đấu năm 2022 cơ bản hoàn thành chuyển đổi số và năm 2025 trở thành Doanh nghiệp số. EVNGENCO2 hiểu rõ, chuyển đổi số không đơn thuần chỉ là vấn đề công nghệ mà là vấn đề của chiến lược, tổ chức và con người, cần có một nền văn hóa mới hướng đến sự phát triển bền vững. Vì vậy, tập thể EVNGENCO2 quyết tâm cùng Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng EVN trở thành “Doanh nghiệp số có Văn hóa mạnh”.
Văn hóa số của EVN sẽ được phát triển trên bốn trụ cột then chốt và hai không gian. Trong đó, hai không gian là văn hóa số nội bộ và văn hóa số hướng đến khách hàng; Bốn trụ cột chính là khách hàng là trung tâm, sự cộng tác, hướng dữ liệu, đổi mới sáng tạo. Không gian văn hóa số nội bộ sẽ nuôi dưỡng, gắn kết người lao động EVN trong ngôi nhà chung đoàn kết và nghĩa tình, dòng năng lượng đó được tạo thành bởi đam mê, sự cống hiến của nhân viên, từ đó thúc đẩy chất lượng, hiệu quả công việc, hạnh phúc và sự phát triển bền vững của tổ chức.
Trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam, chuyển đổi số là nhiệm vụ của tất cả cán bộ, người lao động. Với quan điểm đó, mỗi một người trong đội ngũ gồm hàng nghìn cán bộ, công nhân viên đều có ít nhất một trong các vai trò tiêu biểu sau đây: Trong hành trình chuyển đổi số, bạn có thể là người dẫn đường, bạn cũng có thể là người tham mưu trưởng hoặc một người chuyên gia chuyển đổi số chuyên sâu. Bạn có thể là một người chỉ huy trên công trường số hay là người thúc đẩy hành động, sáng kiến chuyển đổi số và bạn. Chính bạn có thể là người trực tiếp kiến tạo chuyển đổi số bằng những việc làm hằng ngày. Mỗi CBCNV cần sẵn sàng để tham gia chuyển đổi số theo năm chiều: Chuyển đổi nhận thức; Làm mới tư duy; Trang bị kiến thức về việc làm số; Có thái độ trong không gian số đúng đắn, chuẩn mực; Thực thi hành vi số hóa phù hợp, chuyên nghiệp. Chỉ khi mỗi người đều cùng nhau “Chuyển đổi số” như đã từng tạo một e-mail, một tài khoản mạng xã hội, khi ấy quá trình “Chuyển đổi số” mới thành công. “Chuyển đổi số” giúp thay đổi nhận thức và ngược lại muốn “Chuyển đổi số” thành công cần phải tập trung vào “Chuyển đổi nhận thức”. Và muốn thay đổi nhận thức, các tổ chức cần xây dựng một môi trường văn hóa số. Khi xây dựng được văn hóa số sẽ giúp các tổ chức trở nên linh hoạt hơn, khuyến khích lực lượng lao động nâng cao khả năng ứng phó với những thử thách mới và duy trì quá trình chuyển đổi số; Giúp doanh nghiệp duy trì sức cạnh tranh thông qua khả năng thích ứng với mọi hoàn cảnh; Khai thác hiệu quả công nghệ vào toàn bộ quá trình hoạt động.