Khoảng hơn 10 giờ ngày 11-9, người dân nhìn thấy khói bốc lên từ ngôi nhà trên đường Điện Biên Phủ (phường 11, quận 10) nên đã gọi điện đến Tổng đài 114. Đây là nhà ở của người dân có kết cấu 1 trệt, 3 lầu, tổng diện tích sử dụng 240m2 nhưng chỉ có một lối cửa chính đi vào. Khi có sự cố cháy xảy ra, khoảng 40 người đang còn kẹt lại trong nhà không thể tự thoát ra ngoài.
Ngay sau khi nhận tin báo, 10 xe chữa cháy và gần 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (PC07) và Công an quận 10 được điều động đến hiện trường. Sau ít phút triển khai giải cứu từ nhiều hướng, cảnh sát đã cứu được 5 người có biểu hiện ngạt khói ra ngoài, hỗ trợ đưa đi cấp cứu. Ngoài ra, 35 người còn kẹt lại trong các phòng cũng được cảnh sát hướng dẫn theo thang bộ thoát xuống đất an toàn. Trong thời gian này, “bà hỏa” đã thiêu rụi nhiều tài sản giá trị trong nhà.
Trước đó, cuối tháng 4-2021, hỏa hoạn bất ngờ bùng phát tại căn hộ mini có kết cấu 1 tầng hầm, 1 tầng trệt và 6 tầng lầu tại quận 7. Điều đáng nói, dù diện tích sử dụng căn hộ khá lớn nhưng lại chỉ có một lối cửa chính đi vào. Do thời điểm đêm khuya, xung quanh khu vực bị cúp điện, chất cháy chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt, thiết bị điện… đã tỏa ra nhiều khói, khí độc. Ngay khi nhận tin báo cháy, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng PC07 và Thượng tá Võ Văn Sơn, Phó Trưởng Công an quận 7 đã đến hiện trường, chỉ huy chữa cháy, cứu người. Lực lượng đã cứu được 24 người mắc kẹt trong tòa nhà và khống chế hỏa hoạn sau 1 giờ tiếp cận. Nhờ vậy đám cháy không gây thương vong về người nhưng đã gây thiệt hại nhiều tài sản trong căn hộ.
Cần tháo gỡ những mối nguy tiềm ẩn
Theo ghi nhận, hỏa hoạn trong những căn nhà cao tầng chỉ có một lối thoát duy nhất không chỉ cản trở việc thoát nạn mà còn khiến công tác chữa cháy thêm khó khăn, nguy hiểm. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến hỏa hoạn diễn biến phức tạp, phát triển mạnh. Khi xảy ra cháy nổ, nhiều người không thể tìm đến lối thoát nạn duy nhất nên dễ dẫn đến tình trạng hoảng loạn, mất kiểm soát, ngạt khói, nguy hiểm đến tính mạng. Thời gian qua, không ít trường hợp người dân bị kẹt lại trong hỏa hoạn do không tiếp cận được lối thoát nạn đã mất bình tĩnh, nhảy lầu hoặc di chuyển vào khu vực nguy hiểm (toilet, phòng kín…) dẫn đến tình trạng ngạt khói. Chính vì vậy, việc chú ý an toàn, trang bị phương tiện PCCC, mở thêm nhiều lối thoát nạn đề phòng giặc lửa tấn công là việc làm rất cần thiết.
Để hạn chế tổn thất, khi phát hiện sự cố cháy nổ, người dân cần lập tức tri hô cho những người khác cùng biết. Đồng thời nhanh chóng thoát nạn theo lối cầu thang ra ngoài và gọi điện đến Tổng đài 114 hoặc thông qua ứng dụng Help 114 - Phòng PC07. Tuyệt đối không sử dụng thang máy hoặc trốn trong toilet, phòng kín khi có cháy. Nếu không kịp thoát bằng cầu thang bộ thì phải di chuyển ra phía ngoài ban công, dùng các vật liệu có thể phát tín hiệu cầu cứu cho cảnh sát dễ nhìn thấy. Đặc biệt, người dân cần tự trang bị cho mình những kiến thức an toàn PCCC và thoát nạn tại nơi mình sinh sống. Đây chính là chiếc phao cứu sinh quan trọng để tự bảo vệ tính mạng, tài sản khi có sự cố cháy nổ./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn