Vì vậy, b ên cạnh vai trò số 1 của mỗi người, mỗi nhà, việc xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ nhằm thường xuyên tuyên truyền, vận động, kiểm tra, nhắc nhở nhân dân thực hiện tốt công tác PCCC và triển khai chữa cháy nhanh chóng là vô cùng quan trọng. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, một số địa phương đã triển khai các mô hình PCCC ở khu dân cư, tổ PCCC cộng đồng theo phương châm “4 tại chỗ”, hoạt động rất hiệu quả...
Từ các tổ, đội xung kích tại khu phố...
Phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) có mô hình "Tổ PCCC cộng đồng". Theo bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó chủ tịch UBND phường Hàng Bài, ngoài 7 tổ PCCC cộng đồng tại 7 tổ dân phố, phường còn lập hai tổ PCCC lưu động của cơ quan phường. Lực lượng mỗi tổ từ 15 đến 20 người, chủ yếu là dân phòng, thanh niên, cựu chiến binh trong tổ dân phố, được trang bị đủ thiết bị PCCC tại chỗ như bình cứu hỏa, cây dập lửa... Các tổ này được tập huấn về công tác PCCC, cách cứu nạn, cứu hộ (CNCH) và thường xuyên đến nhà từng hộ dân để tuyên truyền, nhắc nhở về phòng cháy, kịp thời chữa cháy khi có tình huống xảy ra. Chị Lê Diễm Quỳnh, chủ cửa hàng hoa Quỳnh ở phố Hàm Long (tổ dân phố 7, phường Hàng Bài) cho biết: “Việc tổ PCCC cộng đồng kiểm tra về PCCC và hướng dẫn những kỹ năng xử lý ban đầu, cách thoát hiểm khi xảy ra sự cố cháy, nổ, giúp các gia đình hiểu hơn và nâng cao ý thức trong PCCC".
Thiếu tá Lê Văn Thinh, Phó trưởng Công an quận Hoàn Kiếm, đánh giá: "Các tổ PCCC cộng đồng ở phường Hàng Bài hoạt động rất hiệu quả. Đây là lực lượng quan trọng ở cơ sở, tích cực tuyên truyền và hướng dẫn người dân chủ động khắc phục ngay những nguy cơ cháy, nổ; đồng thời sẵn sàng sử dụng các phương tiện được trang bị để dập cháy, cứu nạn, giúp giảm thiệt hại khi xảy ra hỏa hoạn tại địa bàn".
Xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín (Hà Nội) có nghề mộc truyền thống, nhiều gia đình mở xưởng sản xuất ngay tại nhà nên tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Trước thực tế đó, xã đã xây dựng mô hình “Cụm dân cư bảo đảm an toàn về PCCC” và tổ chức Đội PCCC&CNCH phản ứng nhanh. Đội PCCC&CNCH phản ứng nhanh có hơn 30 thành viên với nhiệm vụ đầu tiên là tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về PCCC. Khi xảy ra sự cố cháy, nổ, lực lượng tại chỗ này sẽ dùng các trang bị được cấp và bình cứu hỏa, vòi phun nước có tại nhà xưởng để dập cháy, cứu nạn. Hằng tháng, đội được tập huấn, trao đổi nghiệp vụ về PCCC, CNCH...; hằng năm được tham gia diễn tập PCCC. Từ thực tế nguyên nhân gây cháy chủ yếu do chập điện, Đội PCCC&CNCH phản ứng nhanh của xã Vạn Điểm thường xuyên đến từng nhà, xưởng để kiểm tra và nhắc các gia đình không để hệ thống điện quá tải, phải dừng sản xuất ngay nếu thấy không bảo đảm an toàn về PCCC...
Đến mỗi người dân là một chiến sĩ PCCC
Tìm hiểu về các mô hình PCCC tại chỗ hiệu quả, chúng tôi được các đồng chí cán bộ của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH kể nhiều về mô hình “Kiểm tra an toàn PCCC 12/1” ở TP Cần Thơ. Theo đó, mô hình này được thành lập tại các khu dân cư theo phương thức cứ 12 hộ gia đình ở gần nhau thành một tổ. Các hộ dân trong tổ thường xuyên gắn kết với nhau, kiểm tra, nhắc nhở nhau thực hiện những yêu cầu về bảo đảm an toàn PCCC; bàn các phương án PCCC trong tổ; khi có tình huống cháy thì kịp thời hỗ trợ dập tắt ngay, không để cháy lan.
Mô hình “Kiểm tra an toàn PCCC 12/1” được Bộ Công an đánh giá cao vì dễ triển khai và rất hiệu quả. Bởi thực tế cho thấy, nếu xảy ra cháy ở khu vực đô thị, nơi các nhà dân liền kề nhau thì nguy cơ cháy lan rất cao. Do đó, việc các gia đình cận kề cùng có trách nhiệm nhắc nhở, giúp nhau thực hiện tốt công tác PCCC cũng chính là ngăn chặn hỏa hoạn, bảo đảm an toàn cho gia đình mình.
Đến phường Việt Hưng, quận Long Biên (Hà Nội), chúng tôi cũng được ông Nguyễn Tuấn Kiên, Phó chủ tịch UBND phường, chia sẻ về phương châm “mỗi người dân là một chiến sĩ PCCC” đang được địa phương tích cực triển khai. Trước hết, với hơn 250 hộ có nhà ở kết hợp kinh doanh trên địa bàn phường, ngoài việc trang bị đủ các thiết bị PCCC tại chỗ thì còn phải tham gia tập huấn, nâng cao nhận thức, kỹ năng PCCC nhằm hướng tới mục tiêu mỗi người dân là một chiến sĩ PCCC tại chỗ, góp phần ngăn chặn cháy, nổ từ sớm. Anh Phạm Văn Sơn có cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên phố Việt Hưng, phường Việt Hưng, cho biết: “Gia đình tôi được tổ dân phố và cơ quan chức năng tuyên truyền về PCCC; hằng năm được tham gia tập huấn các kỹ năng cần thiết nên đã biết cách phòng cháy và xử lý tình huống cháy ban đầu”.
Tại TP Hồ Chí Minh, chúng tôi được biết, ngày 31-5 vừa qua, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 16/2021/QĐ-UBND quy định về an toàn PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất trên địa bàn. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 10-6-2021 với những quy định rất cụ thể về trách nhiệm của chủ hộ, chủ hộ kinh doanh; đặc biệt là xác định rõ những tiêu chí, yêu cầu cụ thể để bảo đảm an toàn PCCC trong gia đình như: Quy định an toàn trong lắp đặt, sử dụng điện; quy định an toàn trong quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; quy định an toàn trong sắp xếp hàng hóa; quy định trang bị phương tiện PCCC; quy định về lối thoát nạn...
Ông Phan Mạnh Hà, cán bộ nghỉ hưu ở phường 4, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh rất tâm đắc với quyết định này của thành phố và khẳng định: “Nếu các gia đình đều thực hiện đúng những quy định về bảo đảm an toàn PCCC theo Quyết định 16 của UBND TP Hồ Chí Minh thì chắc chắn sẽ hạn chế được tối đa nguy cơ cháy nhà. Ai mà chưa biết cách PCCC cho ngôi nhà của mình thì chỉ cần đọc kỹ quyết định này là có thể trở thành “chiến sĩ PCCC tại gia”, vì trong đó hướng dẫn rất tỉ mỉ, cụ thể và dễ hiểu”...
Nếu chính quyền cơ sở thực sự quan tâm kiểm tra, chấn chỉnh và các khu dân cư có tổ tự quản phòng cháy thì những nguy cơ mất an toàn về cháy như trong bức ảnh này sẽ được khắc phục.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn