Nhằm chấn chỉnh việc đốt vàng mã – tục lệ mang tính tâm linh lâu đời của người dân đi vào nền nếp hơn, ngày 01/9/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa. Nghị định quy định người dân đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử – văn hóa sẽ bị phạt tiền. Năm 2013, tại Điều 15, Nghị định 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh các quy định này. Song, hoạt động đốt vàng mã một cách bất cẩn trên hè phố, lề đường hay tại chính nhà dân gây nhiều nguy cơ cháy, nổ diễn ra nhiều năm qua thì không được nhắc đến. Trên thực tế cho thấy, phần lớn những vụ cháy, nổ xảy ra do việc đốt vàng mã lại là tại các hộ gia đình. Có lẽ vấn đề lớn nhất mà các cấp quản lý gặp phải khi đưa ra các chế tài xử phạt về việc đốt vàng mã bất cẩn chính là do tục lệ này đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người dân Việt Nam từ hàng nghìn năm nay. Nên nếu đưa ra các quy định xử phạt về hành vi đốt vàng mã tại gia đình chắc chắn sẽ gặp phải những phản ứng dữ dội từ người dân. Nhiều cán bộ công tác trong lĩnh vực PCCC ở các địa phương chia sẻ, muốn đảm bảo an toàn PCCC trong việc đốt vàng mã tại các gia đình thì chỉ biết dựa vào việc tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân chứ không thể đi nhắc nhở, xử phạt được vì thiếu chế tài. Tuyên truyền là như vậy, nhưng rõ ràng đã xảy ra quá nhiều tai nạn cháy nổ do sự bất cẩn của người dân khi đốt vãng mã. Có lẽ đã đến lúc các cơ quan quản lý nên quy định cả việc xử phạt đốt vàng mã không đúng nơi quy định ở các khu dân cư, chung cư, đường, hè phố và cấm đốt dưới gốc cây. Đi kèm là khung hình phạt phải đủ sức răn đe và các biện pháp tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu rõ hơn và có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường xanh – sạch, đảm bảo an toàn PCCC.
Để hạn chế những tai nạn cháy nổ có thể xảy ra khi đốt vãng mã, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đưa ra một số khuyến cáo với người dân, như: Cẩn trọng việc thắp hương, thắp nến thờ cúng và hóa vàng mã; thắp hương cách xa trần gỗ, xa các vật dụng dễ cháy và phải có người trông coi; không nên đốt quá nhiều vàng mã, nhất là các loại vàng mã có khối lượng lớn như nhà lầu, xe hơi… để tránh nguy cơ gây hỏa hoạn; nên đốt vàng mã ở nơi cách xa các vật liệu dễ cháy. Khi đốt vàng mã, phải sử dụng thùng kim loại (sắt, inox) có nắp đậy kín để tránh tàn lửa bay ra xung quanh, đồng thời phải chờ vàng mã cháy hết, dùng nước vẩy lên tro, đề phòng cháy ngầm. Người dân tuyệt đối không đốt vàng mã ở những nơi cấm như: chợ, trung tâm thương mại, nơi có vật liệu dễ cháy. Bố trí nơi thắp hương thờ cúng, các vật dụng trang thiết bị trên bàn thờ đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, luôn có biện pháp ngăn chặn cháy lan, việc thắp hương phải có người trông coi, tránh việc thắp hương vòng qua đêm, đặc biệt khi sử dụng nến cần phải được kê trên các đế đỡ không cháy. Các thiết bị điện được bố trí trên bàn thờ cần đảm bảo an toàn PCCC về điện, dây dẫn đảm bảo cường độ dòng điện, hệ thống điện cần phải có át-tô-mát để tránh sự cố về điện có thể gây ra cháy. Tại các chợ, phải có khu vực riêng cho việc đốt hương, thờ cúng của tiểu thương. Tại các khu vực đền, chùa cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức PCCC cho những người làm việc phục vụ tại chỗ, phát trên loa tuyên truyền cho khách đến cúng, viếng, có ý thức chấp hành về PCCC.
Để tục lệ đốt vàng mã không còn trở thành nỗi lo canh cánh trong lòng chúng ta, mỗi người dân hãy tự nâng cao ý thức của mình, cẩn trọng trong việc thắp hương, đốt vàng mã. Hãy để những tục lệ tâm linh lâu đời của chúng ta thực sự trở thành một nét đẹp văn hóa của người Việt mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn