Tham dự buổi lễ có Thượng tướng Bùi Văn Nam - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; ông Đặng Hoàng An - Thứ trưởng Bộ Công Thương; lãnh đạo UBND của 42 tỉnh, thành có hệ thống truyền tải điện 500 kV đi qua.
Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam có ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN; ông Đặng Phan Tường - Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT); ông Vũ Ngọc Minh – Tổng giám đốc EVNNPT.
Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 4/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa Hệ thống truyền tải điện 500 kV vào Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia đã khẳng định vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của Hệ thống này đối với sự phát triển của đất nước. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành; tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị quản lý, vận hành Hệ thống truyền tải điện 500 kV với các cấp chính quyền, công an, quân đội … trong công tác bảo vệ an ninh, an toàn Hệ thống truyền tải điện 500 kV theo quy định của pháp luật.
"Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ triển khai, thực hiện nghiêm túc các qui định của Nhà nước về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia nói chung và Hệ thống truyền tải điện 500 kV nói riêng; đồng thời cũng thực hiện nghiêm túc nội dung phân công của Bộ Công an tại Hội nghị triển khai Quyết định số 1944/QĐ-TTg ngày 04/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ đưa Hệ thống truyền tải điện 500 kV vào Danh mục công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia" - Phó Tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri phát biểu tại Lễ công bố.
Ngay từ năm 1994, khi hệ thống truyền tải 500 kV Bắc – Nam được đưa vào vận hành, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 110/TTg ngày 23/4/1994 về việc bảo vệ an toàn hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc - Nam để chỉ đạo các Bộ, Ngành liên quan và chính quyền các cấp tại địa phương cùng tham gia công tác bảo vệ an toàn hệ thống truyền tải điện 500 kV.
Tổng cục I, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) và Tổng công ty Điện lực Việt Nam (nay là Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã ký Quy chế phối hợp số 1394-LB/NL-NV ngày 15/7/1994, sau đó là Quy chế phối hợp công tác bảo vệ số 3176/EVN/TCI ngày 26/9/1995 và Quy chế phối hợp công tác bảo vệ an ninh, an toàn ngành Điện số 2502/QCPH-TCAN-EVN ngày 26/6/2015 giữa Tổng cục An ninh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Theo ông Đặng Phan Tường – Chủ tịch HĐTV EVNNPT, qua hơn 20 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác bảo vệ an ninh, an toàn ngành Điện, đặc biệt trong công tác phối hợp bảo vệ hệ thống truyền tải điện quốc gia, EVN/EVNNPT và Tổng cục An ninh - Bộ Công an cùng lực lượng công an các cấp đã có sự phối hợp hết sức chặt chẽ, hiệu quả và đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện truyền tải, hệ thống lưới điện 500 kV nói riêng và hệ thống truyền tải điện quốc gia nói chung; tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện, trộm cắp phụ kiện trên hệ thống điện truyền tải đã giảm mạnh…
Cũng theo Lãnh đạo EVNNPT, đến nay, hệ thống truyền tải điện 500 kV đã đạt tổng chiều dài hơn 7.414 km, trải dài trên 42 tỉnh, thành phố. Đồng thời, đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc truyền tải công suất của các nhà máy điện và các trung tâm điện lực lớn như Sơn La, Lai Châu, Quảng Ninh, Mông Dương, Vũng Áng, Vĩnh Tân, Phú Mỹ, Duyên Hải. Hệ thống này cũng được coi là “trục xương sống” liên kết các hệ thống điện giữa các miền như các mạch vòng 500 kV tại khu vực miền Bắc (Thường Tín - Phố Nối - Quảng Ninh - Hiệp Hòa - Sơn La - Hòa Bình - Nho Quan), khu vực miền Nam (Nhà Bè - Phú Lâm - Cầu Bông - Tân Định - Sông Mây - Phú Mỹ),…
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết: Thời gian tới, hàng loạt công trình 500 kV mới sẽ được xây dựng như đường dây 500 kV Vĩnh Tân – Sông Mây – rẽ Tân Uyên, Duyên Hải – Mỹ Tho – Đức Hòa,… và cũng sẽ xuất hiện thêm các đường dây 500 kV xuyên quốc gia nhằm kết nối lưới điện các nước ASEAN, khu vực tiểu vùng sông Mekong mở rộng, thúc đẩy hợp tác kinh tế và phát triển tình hữu nghị giữa các dân tộc.
Để thực hiện được các mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, Bộ Công Thương yêu cầu EVN, EVNNPT phải nỗ lực hết sức, tranh thủ sự chỉ đạo, hỗ trợ tích cực từ các bộ, ngành liên quan, chủ động tìm biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách vốn đầu tư… phối hợp chặt chẽ với chính quyền và nhân dân các địa phương trong việc thực hiện giải phóng mặt bằng, bồi thường, di dân, tái định cư nhằm hoàn thành kế hoạch đầu tư xây dựng, quản lý vận hành và bảo vệ các dự án truyền tải điện theo quy định.
Nguồn tin: Ngọc Tuấn/ evn.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn