Bộ Công Thương cầu thị, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện Dự thảo Quyết định quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện

Thứ tư - 19/08/2020 05:41
Ngày 18/8, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp về dự thảo biểu giá điện đang được gửi lấy ý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, với tinh thần cầu thị, Bộ Công Thương sẽ tiếp thu, đánh giá ảnh hưởng, xem xét đầy đủ và toàn diện các tác động để bổ sung, hoàn thiện dự thảo gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì cuộc họp
Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì cuộc họp
Cuộc họp có sự tham dự của các đồng chí Lãnh đạo Bộ Công Thương gồm: Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh và Lãnh đạo các Cục: Điều tiết điện lực, Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng; Các Vụ: Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Dầu khí và Than, Pháp chế, Kế hoạch; Văn phòng Bộ...
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, trong thời gian qua, Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng biểu giá điện cải tiến bao gồm 3 phương án. Dự thảo quyết định biểu giá đã được Bộ Công Thương gửi lấy ý kiến các đơn vị liên quan và đã được đăng tải trên Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ, Cổng Thông tin điện tử Bộ Công Thương từ ngày 10/8/2020.
Theo đó, đối với khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, có 2 phương án (Phương án 1: Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc và Phương án 2: gồm 2 kịch bản 2A và 2B: Cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc và giá bán lẻ điện một giá). Các phương án điều chỉnh các bậc thang nêu trên đều đảm bảo nguyên tắc không làm thay đổi mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành cho khách hàng sinh hoạt và đều giảm số bậc thang từ 6 bậc như qui định hiện hành xuống còn 5 bậc.
Đối với khách hàng sử dụng điện cho mục đích ngoài sinh hoạt, có 2 phương án (Phương án 1: Khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt bao gồm 03 nhóm: sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh. Trong đó nhóm sản xuất đã bao gồm cơ sở lưu trú du lịch, doanh nghiệp dịch vụ logistics. Phương án 2: Gộp các nhóm sản xuất, hành chính sự nghiệp và kinh doanh thành 01 nhóm là khách hàng sử dụng điện ngoài sinh hoạt).

Việc sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nêu trên đảm bảo nguyên tắc giữ nguyên mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành được ban hành tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Bộ Công Thương.
Các phương án sửa đổi nêu trên nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại chính hiện nay của biểu giá điện, theo hướng phù hợp hơn với thực tế sử dụng điện của các khách hàng.
Sau hơn một tuần gửi lấy ý kiến, Dự thảo đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia, đại diện các hiệp hội và người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều ý kiến trái chiều, đặc biệt liên quan đến phương án 2A và 2B về phương án có lựa chọn điện 1 giá. Đây là phương án bổ sung mới, lần đầu được đưa ra lấy ý kiến nên có ý kiến chuyên gia cho rằng phương án chưa giải quyết được mục tiêu đặt ra cũng như kỳ vọng của công chúng đối với phương án điện một giá.
Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Nguyễn Anh Tuấn cho biết, sau khi Bộ Công Thương ban hành Công văn số 5686/BCT-ĐTĐL ngày 5/8/2020 cũng như đăng tải dự thảo trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi từ các Bộ ngành; UBND và đoàn đại biểu Quốc hội 63 tỉnh, thành phố; các hiệp hội ngành nghề, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 5 Tổng công ty Điện lực và trên các phương tiện truyền thông đại chúng, Bộ Công Thương nhận được nhiều ý kiến tham gia của các học giả, các nhà báo, các khách hàng sử dụng điện trên các phương tiện thông tin báo chí.
Trên cơ sở xem xét ý kiến của nhiều chuyên gia, các khách hàng sử dụng điện trong đó phần lớn ý kiến tập trung vào Phương án giá điện 1 giá tại các Phương án 2A và Phương án 2B, tại cuộc họp chiều 18/8, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực nhìn nhận: Các Phương án giá 2A và 2B mặc dù có ưu điểm như sẽ cho thêm khách hàng được lựa chọn biểu giá theo phương án 1 giá hoặc bậc thang nhưng có hạn chế lớn nhất là không khuyến khích được khách hàng sử dụng điện tiết kiệm trong khi đây là một trong những chủ trương lớn của Chính phủ và Bộ trong thời gian tới là đẩy mạnh công tác tuyên truyền tiết kiệm điện. Vì vậy, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, các khách hàng sử dụng điện đã được phản ánh trên báo chí và các phương tiện thông tin đại chúng, Cục ĐTĐL xin kiến nghị cho rút các Phương án giá điện 2A và 2B.
Đồng tình với quan điểm cần đảm bảo hài hòa quyền lợi của các đối tượng trong xã hội khi xây dựng cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh thêm yêu cầu của việc cung cấp đủ điện, đảm bảo giá điện hợp lý và minh bạch – đây là điều mà người dân quan tâm nhất. Theo Thứ trưởng, trong bối cảnh thiếu điện như hiện nay, sẽ không phù hợp nếu áp dụng điện một giá, chưa kể, phương án này không khuyến khích tiết kiệm điện. Còn nếu áp dụng cách tính điện theo bậc thang thì cần chú ý tính toán sao cho khoảng cách giữa các bậc phù hợp.
Thay mặt Bộ Công Thương, với vai trò được giao chủ trì Tổ soạn thảo Dự thảo Quyết định quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng gửi lời cảm ơn với những ý kiến góp ý của người dân, doanh nghiệp, các cơ quan truyền thông và các tổ chức xã hội đã thể hiện sự quan tâm đối với Dự thảo. Thứ trưởng khẳng định, đây là những ý kiến quý báu giúp Bộ Công Thương có thêm cách tiếp cận đầy đủ, khách quan hơn trong quá trình hoàn thiện Dự thảo.
Góp ý cho dự thảo phương án cơ cấu bán lẻ điện, ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cho rằng Nghị quyết 55 đã khẳng định vai trò của tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng hiệu quả. Việc tính biểu giá điện bán lẻ sao cho phù hợp là điều rất quan trọng trong việc thúc đẩy tiết kiệm điện. Ông Kim cũng đồng tình với kiến nghị rút lại phương án điện một giá trên cơ sở phân tích, đánh giá các ý kiến đóng góp của chuyên gia và người dân trong thời gian gần đây. Đồng thời, đưa ra đề xuất biểu giá điện cần dựa trên cơ sở làm rõ nội dung về khoảng cách biểu giá, cần phân tích rõ tại sao sử dụng phương án biểu giá điện 5 bậc thang so với 6 bậc thang trước đây để việc tính giá tiêu thụ điện được minh bạch, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng.
Đại diện cho phía người tiêu dùng, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân - Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cũng bày tỏ quan điểm không nên đưa ra phương án điện một giá vào lúc này; cùng với đó, ban soạn thảo cần tính đến việc cân đối, hài hòa lợi ích giữa các bên. Ông cũng cho biết, quan điểm của người tiêu cùng là cần điều chỉnh lại biên độ biến thiên của biểu giá điện bậc thang theo hướng nhất quán cũng như giải quyết được vấn đề giá điện bị nhảy vọt trong thời điểm nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh hoan nghênh Cục Điều tiết Điện lực và Tổ công tác xây dựng biểu giá bán lẻ điện đã lắng nghe, cầu thị trong việc xây dựng biểu giá bán lẻ điện để xin ý kiến các Bộ ngành, cơ quan và nhân dân. Bộ trưởng khẳng định, việc xây dựng và hoàn thiện biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới là nhiệm quan trọng và ý nghĩa đối với Chính phủ, Bộ Công Thương, nhất là trong bối cảnh đời sống nhân dân đang bị tác động bởi tình hình dịch bệnh. Chúng ta đang đặt ra nhiều mục tiêu khi xây dựng biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt như đảm bảo cân đối cung cầu điện, đảm bảo điều kiện đời sống nhân dân, nhất là bộ phận khó khăn, cơ chế an sinh xã hội, đảm bảo tiếp tục điều kiện ngành điện, biên độ về lợi nhuận hợp lý cho tái đầu tư phục vụ ổn định hệ thống điện trong tương lai và phục vụ phát triển, quan trọng là sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả khi đất nước ở trình độ phát triển thấp, nguồn năng lượng chủ yếu từ năng lượng không tái tạo nên phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu… Bối cảnh như vậy, việc xây dựng, hoàn thiện biểu giá bán lẻ điện để hài hòa tất cả các mục tiêu là không dễ dàng.
“Thay mặt cho Lãnh đạo Bộ, tôi hoan nghênh sự nỗ lực của đơn vị soạn thảo, những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cơ quan truyền thông báo chí, các tầng lớp nhân dân đã đóng góp ý kiến để chúng ta tiếp thu, nghiên cứu hoàn thiện phương án biểu giá điện”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tại cuộc họp, các ý kiến đều bày tỏ sự băn khoăn trước phương án điện một giá và cho rằng chưa đáp ứng được mục tiêu cũng như yêu cầu đề ra, do vậy không nhất thiết phải đưa ra vào thời điểm này. Bộ trưởng cho rằng xét trên cơ sở nguyên tắc xác định giá bán lẻ điện thì phương án 2A, 2B và phương án điện một giá chưa phù hợp. Do vậy, Bộ trưởng đề nghị Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng tiếp tục chỉ đạo Cục Điều tiết điện lực và các đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ ý kiến góp ý của các chuyên gia, các cơ quan liên quan để tiếp tục hoàn thiện các phương án biểu giá điện mới, thực hiện đúng các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, giữ vững nguyên tắc và mục tiêu xây dựng biểu giá điện sinh hoạt về đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo và khuyến khích tiết kiệm năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Bổ sung thành phần Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vào Tổ công tác để đảm bảo sự đồng thuận, khách quan, minh bạch.
Bộ trưởng chỉ đạo tiếp tục xin ý kiến về Phương án 1 về cải tiến giá điện bậc thang cho các khách hàng sinh hoạt nhằm giảm bớt số bậc thang cho đối tượng khách hàng sinh hoạt từ 6 bậc xuống 5 bậc và điều chỉnh các bậc thang để phù hợp với mức độ sử dụng điện của nhân dân; các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho khách hàng ngoài mục đích sinh hoạt.
Bộ trưởng yêu cầu Cục Điều tiết Điện lực với tinh thần cầu thị, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Bộ, ngành, các địa phương, ý kiến của các nhà khoa học, chuyên gia và khách hàng sử dụng điện để hoàn chỉnh Phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế sử dụng điện cho sinh hoạt của người dân. Phối hợp cùng Văn phòng Bộ tiếp tục cung cấp đầy đủ thông tin cho các cơ quan báo chí, khách hàng sử dụng điện đảm bảo nguyên tắc xây dựng phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện trên tinh thần công khai, minh bạch và cầu thị.
Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan, đơn vị cũng như số lượng khách hàng lựa chọn các phương án sửa đổi, góp ý trực tuyến và ý kiến đăng tải trên phương tiện thông tin báo chí, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu tiếp thu, đánh giá ảnh hưởng, xem xét đầy đủ toàn diện các tác động để bổ sung, hoàn thiện dự thảo gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây