Theo đó, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (Nghị định số 136/2020/NĐ-CP) gồm 09 chương và 54 điều với 09 phụ lục kèm theo. Nghị định này quy định về hoạt động phòng cháy và chữa cháy, tổ chức lực lượng, phương tiện phòng cháy và chữa cháy, kinh doanh dịch vụ phòng cháy và chữa cháy, kinh phí bảo đảm cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy, trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy. Ngoài việc quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy, Nghị định còn quy định một số biện pháp thi hành nhằm cụ thể hóa các nội dung Luật quy định.
Nghị định này thay thế Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (Nghị định số 79/2014/NĐ-CP). So với Nghị định số 79/2014/NĐ-CP, Nghị định số 136/2020/NĐ-CP giữ nguyên 01/58 điều, sửa đổi, bổ sung 47/58 điều, bãi bỏ 10/58 điều, xây dựng mới 06 điều, sửa đổi, bổ sung 05/06 phụ lục, bãi bỏ 01/06 phụ lục và xây dựng mới 04 phụ lục.
Một số điểm mới của Nghị định như: (1) Quy định đầy đủ, chi tiết các thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy kèm theo biểu mẫu nhằm bảo đảm tính thống nhất và nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính trong quá trình thực hiện (trong đó bổ sung thủ tục cấp pháp vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ, thủ tục kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy; đơn giản hóa và cắt giảm một số thủ tục hành chính về phòng cháy và chữa cháy như: giảm số lượng hồ sơ và thời hạn giải quyết thủ tục thẩm duyệt, nghiệm thu, kiểm định, cấp chứng chỉ hành nghề tư vấn về phòng cháy và chữa cháy…; bỏ quy định về thời gian kinh nghiệm tham gia các hoạt động tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, thi công, lắp đặt hệ thống phòng cháy và chữa cháy; bỏ danh mục cơ sở thuộc diện phải thông báo với cơ quan Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy về việc bảo đảm các điều kiện an toàn phòng cháy và chữa cháy trước khi đưa vào sử dụng); (2) Bổ sung một số loại hình cơ sở vào danh mục cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy và chữa cháy (nhà tập thể, nhà trọ, trưởng tiểu học, trung học cơ sở), nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy, hàng hóa đựng trong bao bì cháy được của hộ gia đình; hầm đường bộ, hầm đường sắt có chiều dài từ 500m trở lên…); (3)Quy định việc xã hội hóa trong công tác kiểm định phương tiện phòng cháy và chữa cháy…
Về công tác kiểm tra, trên cơ sở Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 13/7/2018 về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Nghị định số 136/2020/NĐ-CP đã quy định theo hướng giảm số lần Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy kiểm tra định kỳ cơ sở trong năm, thay vào đó tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy, chủ hộ gia đình, chủ rừng trong công tác tự kiểm tra an toàn phòng cháy và chữa cháy.
Ngoài ra, Nghị định này cũng đã quy định danh mục cơ sở do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý nhằm bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới của Bộ Công an và thực hiện phân cấp tối đa việc quản lý cho cấp cơ sở để nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp trong công tác phòng cháy và chữa cháy.
Hiện nay, Bộ Công an đã hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, dự kiến sẽ ban hành trong năm 2020 nhằm bảo đảm không có khoảng trống pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2021./.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn