Tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ tại khu dân cư

Thứ hai - 22/06/2020 02:38
Các vụ cháy tại khu dân cư, hộ gia đình, nhất là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thường gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, hệ lụy của những vụ cháy cũng kéo dài, khó phục hồi. Thực trạng đáng báo động là vậy, song thực tế công tác PCCC đối với các loại hình khu dân cư này rất khó...

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, lẻ nằm trong khu dân cư, làm chết và bị thương nhiều người.

Các vụ cháy nhỏ ở khu dân cư lại thường gây thiệt hại nhiều hơn về người. Theo rà soát của UBND các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, phần lớn các khu dân cư, nhà dân được xây dựng, phân bổ ở các quận nội đô, xung quanh các chợ, các tuyến phố kinh doanh mua bán các loại hàng hóa dễ cháy như quần áo, giày dép, bông vải sợi, vàng mã, hóa chất, thu mua phế liệu, nhà nghỉ, nhà trọ, nhà ngăn phòng cho thuê, cửa hàng tiện ích... xây dựng không tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng, không đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

Đối với nhà dân vừa kết hợp kinh doanh vừa để ở thì điều kiện sản xuất, kinh doanh, ăn ở và sinh hoạt chật hẹp; nơi đun nấu, thờ cúng gần sát các vật liệu dễ cháy. Ý thức chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy của người dân còn thấp dẫn đến tình trạng vi phạm gây mất an toàn phòng cháy và chữa cháy.

Trong công tác phòng cháy, chữa cháy, vẫn còn tình trạng dụng cụ, phương tiện chữa cháy thiếu về số lượng, không đảm bảo chất lượng do không được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ; người sử dụng phương tiện không biết hoặc chưa thành thạo trong vận hành phương tiện chữa cháy. Chủ hộ gia đình, chủ cơ sở thiếu ý thức trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy, chưa có ý thức tự trang bị các kiến thức cơ bản về thoát nạn, không nghiên cứu giả định các tình huống cháy, nổ và có phương án thoát nạn cho gia đình trong trường hợp có sự cố xảy ra.

Mặc dù công tác truyền thông đã được đẩy mạnh nhưng tình hình cháy, nổ tại khu dân cư, hộ gia đình vẫn diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng cả về số vụ lẫn thiệt hại.

Nguyên nhân được xác định là do nhiều khu dân cư thiếu các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy; điều kiện cơ sở hạ tầng về giao thông, nguồn nước tại nhiều nơi còn bất cập. Người dân chưa có thói quen làm tốt việc PCCC. Số hộ gia đình ở khu dân cư chủ động lắp đặt đầy đủ hệ thống thiết bị phòng, chống cháy nổ là rất ít. Bởi, những dụng cụ và phương tiện này trên thị trường thường có giá không hề rẻ so với mức thu nhập của người dân.

Ngoài một số doanh nghiệp sản xuất đóng tại khu dân cư có phương tiện, dụng cụ phòng chống cháy, nổ còn hạn chế. Bên cạnh đó, nhiều cấp ủy, chính quyền địa phương, nhất là ở cấp xã, phường, thị trấn... chưa thực sự quan tâm đến công tác PCCC và CNCH.

Thế nên, để khắc phục những bất cập nêu trên, Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng cần phối hợp với chính quyền các địa phương, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện và có biện pháp giải quyết, khắc phục kịp thời sơ hở, bất cập trong công tác PCCC nhằm phòng ngừa, ngăn chặn triệt để các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến cháy, nổ trong khu dân cư.

Đặc biệt, trong chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường phòng cháy, chữa cháy (PCCC) ở khu dân cư, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC đối với khu dân cư, cơ sở thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý.

Chỉ thị cũng yêu cầu nhanh chóng củng cố, xây dựng mới, duy trì hoạt động lực lượng dân phòng bảo đảm chế độ phụ cấp, phương tiện, dụng cụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ theo đúng quy định của pháp luật. Xác định đây là lực lượng nòng cốt trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại chỗ../.

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây