Sự cần thiết trong việc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

Thứ tư - 22/04/2020 03:34
Thiệt hại do các vụ cháy, nổ gây ra thường không nhỏ về tài sản, thậm chí có những trường hợp tử vong. Tuy nhiên, có một số tổ chức, cá nhân vẫn còn thờ ơ đối với việc mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định.

Nghị định số 23/2018/NĐ-CP quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, có hiệu lực từ ngày 15.4.2018 gồm 3 chương, 18 điều quy định cụ thể về điều kiện, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu; mức thu, chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động PCCC; trách nhiệm của các bộ, cơ quan có liên quan và doanh nghiệp bảo hiểm trong thực hiện bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Nghị định 23 nêu rõ trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, trụ sở làm việc của các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức khác, trường học (trường phổ thông, cao đẳng, đại học, học viện…) bắt buộc phải tham gia bảo hiểm cháy, nổ.

Đối tượng bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc là toàn bộ tài sản của cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ bao gồm nhà, công trình và các tài sản gắn liền với nhà, công trình; máy móc, thiết bị; các loại hàng hóa, vật tư (bao gồm cả nguyên vật liệu, bán thành phẩm, thành phẩm).

Theo ghi nhận, hiện nay kinh phí cấp cho các trường học không có mục mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc nên một số nhà trường đã linh hoạt vận dụng nghiệp vụ tài chính - kế toán để mua bảo hiểm này.

Bên cạnh đó, thì một số tiểu thương, chủ tiệm tạp hóa và nhiều chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh lại còn chủ quan cho rằng việc bảo quản tài sản của mình đã tốt, không cần thiết phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Chỉ có các cửa hàng kinh doanh xăng, dầu, gas và khí hóa lỏng là nghiêm túc mua loại hình bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Do điều khoản về số tiền bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc tối thiểu là giá trị thành tiền theo giá thị trường của các tài sản tại thời điểm ký giao kết hợp đồng bảo hiểm, một số cơ sở có giá trị tài sản lớn, phải bỏ ra một khoản chi phí lớn để mua bảo hiểm nên không thể bố trí được. Một số trụ sở cơ quan nhà nước, trường học… thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc nhưng chưa có quy định cụ thể về nguồn kinh phí nên việc thực hiện còn khó khăn.

Ngoài ra, tại các cửa hàng kinh doanh gas tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, phí tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc không lớn, nhưng mức đền bù thiệt hại cao nên doanh nghiệp bảo hiểm chưa tư vấn nhiệt tình.

Việc quy định bảo hiểm cháy nổ bắt buộc tại các chợ truyền thống còn tồn tại nhiều bất cập do đặc thù hoạt động của chợ là nhóm ngành nghề có rủi ro cháy cao. Việc bố trí, sắp xếp các gian hàng kinh doanh cũng còn chưa hợp lý, hệ thống PCCC trang bị chưa đồng bộ. Cơ sở hạ tầng tại một số chợ đã xuống cấp, đường dây dẫn điện đã cũ vì đa số chợ truyền thống được hình thành và đi vào hoạt động từ lâu.

Nhiều nhóm hàng kinh doanh có khả năng dễ bắt cháy như đồ may mặc, da giày, hàng tiêu dùng bằng nhựa… khối lượng hàng hoá thường biến động không thể định giá tài sản nên các doanh nghiệp bảo hiểm thường từ chối bán với lý do chưa đủ điều kiện để tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

Công tác xử phạt vi phạm hành chính của lực lượng Cảnh sát PCCC đối với các hộ kinh doanh còn gặp khó khăn vì số tiền xử phạt lớn. Thẩm quyền xử phạt là Chủ tịch UBND tỉnh, trong khi nhiều đối tượng bị xử phạt có quy mô nhỏ, chủ cơ sở là các cửa hàng bán gas, nhà nghỉ… nên việc xử phạt chưa kiên quyết.

Bên cạnh một số doanh nghiệp còn thờ ơ đối với việc mua bảo hiểm cháy nổ thì có những nơi chấp hành rất tốt quy định này.

“Trên thực tế, khi gặp rủi ro cháy, nổ, không phải tổ chức, cá nhân nào cũng có điều kiện, năng lực tài chính để khắc phục thiệt hại, khôi phục hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Mua bảo hiểm cháy, nổ chính là hình thức tiêu dùng cần thiết để phòng ngừa những thiệt hại về tài chính nếu không may xảy ra rủi ro, khi đó đơn vị bảo hiểm sẽ là cứu cánh, hỗ trợ về mặt tài chính để chi trả các khoản tiền bồi thường cần thiết cho việc thay thế, sửa chữa, khôi phục tài sản bị thiệt hại do cháy, nổ”

Điều 46, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP có quy định về mức phạt hành vi vi phạm quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Phạt tiền từ 8 – 15 triệu đồng đối với hành vi kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không có biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất cho đối tượng tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc theo quy định.

Phạt tiền từ 30 – 50 triệu đồng đối với hành vi: cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mà không mua theo quy định; mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc không đúng quy tắc, biểu phí bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc do Bộ Tài chính ban hành.

Nguồn: Đội Cảnh sát PCCC và CNCH CAH Cư Mgar

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây