Bom nổ chậm từ bình gas mini

Thứ tư - 06/05/2020 03:17
Tiện lợi, rẻ nên bình gas mini được nhiều người ưa chuộng. Loại bình này chỉ sử dụng một lần, song đa phần bình gas mini trên thị trường đều được tái nạp nhiều lần, thậm chí vỏ mòn và gỉ sét, là nguyên nhân gây rò, nổ gas.

Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cho biết, theo quy định của nhà sản xuất, khí gas bơm vào bình mini phải là loại khí đặc biệt, có áp suất nhẹ, với tỷ lệ 5% khí Propan, 95% khí Butan. Giá thành loại gas này đắt hơn các khí đốt hóa lỏng thông thường nên giá bán của bình gas mini đạt chuẩn cũng khá cao, khoảng 20.000 đồng một bình.

Nắm bắt tâm lý người tiêu dùng Việt thích hàng rẻ, một số cơ sở kinh doanh tại Việt Nam đã thâu gom vỏ bình gas mini và nạp lại bằng nguồn gas bình thường với giá rẻ hơn để bán cho các cửa hàng thực phẩm, hộ gia đình, công nhân, sinh viên. Hiện giá mỗi bình gas mini được sang chiết thủ công như thế chỉ từ 5.000 đến 7.000 đồng.

pccc5 2020 7
Hiện trường vụ cháy nổ gas tại Bình Dương khiến một người chết, 10 người bị thương. Ảnh: HL .
Kết quả thanh kiểm tra của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy ghi nhận, loại khí gas bình thường bán trên thị trường hiện nay có tỷ lệ khoảng 50% Propan - 50% Butan (hoặc 60% - 40%; 70% - 30%).

Trong hỗn hợp gas, Propan là khí nhẹ hơn Butan nên khi bơm chiết từ bình lớn sang bình mini cần áp lực nén cao hơn bình thường. Áp lực này khiến tỷ lệ vùng áp suất hơi bão hòa của gas trong bình tăng từ 3,2kg/cm2 lên 8-10kg/cm2 (ở 40oC), vượt quá áp suất làm việc cho phép của bình. Mặt khác do cấu tạo của vỏ bình gas mini mỏng hơn nhiều so với bình lớn, lại thêm do sử dụng nhiều lần dẫn đến bị oxy hóa nên lớp vỏ bình lại càng mỏng và chịu lực kém hơn. Chính nguyên nhân này đã dẫn đến rò rỉ khí và khi gặp tác động của nguồn nhiệt từ bếp gas có thể gây cháy nổ.

Điển hình như vụ nổ bình gas mini tại phố Bạch Mai (Hà Nội) vào cuối tháng 1/2010 khiến chủ nhà bị bỏng mặt, tay và khiến cả khu dân cư xung quanh náo loạn. Trước đó tại thị xã Bạc Liêu cũng một vụ nổ bình gas mini đã thiêu rụi toàn bộ kho hàng hóa tại tầng trệt của căn nhà 2 tầng. Trong một số trường hợp chính người sang chiết gas mini lại trở thành nạn nhân của hỏa hoạn. Như mới nhất là vụ cháy nổ gas làm 11 người thương vong xảy ra tại Bình Dương ngày 7/4. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do rò rỉ gas trong quá trình sang chiết trái phép.

Vì vậy, nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu nguy cơ cháy nổ do bình gas mini, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy khuyến nghị, một mặt các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, nghiêm cấm các cơ sở sang chiết gas nạp lại bình gas mini. "Mặt khác người tiêu dùng hãy tự bảo vệ chính sức khỏe, tính mạng của mình và người thân, hãy tự giác chấp hành các quy định của pháp luật và đừng vì ham rẻ mà phớt lờ những nguy cơ có thể xảy ra".

Theo ghi nhận của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, có những nguyên nhân dẫn đến cháy nổ gas thường gặp sau đây :

1. Rò rỉ gas trong khi sử dụng do không kiểm tra bếp, dây dẫn nứt, bị chuột cắn làm rò rỉ gas, gặp nguồn lửa gây cháy; đang sử dụng bếp tắt lửa do gió, do tràn thức ăn, gas vẫn rò rỉ ra gây cháy; quên khóa van sau khi đã tắt bếp, gas rò rỉ ra ngoài, tích tụ gặp nguồn lửa gây cháy.

2. Nơi đặt bình gas không đúng quy định: đặt bình ở những nơi không thông gió, chỗ trũng, trong góc tường... Khi rò rỉ, hơi gas tích tụ lại, gặp nguồn lửa gây cháy và nổ.

3. Sang chiết gas trái phép: Sang chiết gas là thao tác truyền một lượng gas từ bình này sang bình khác. Do áp lực cao, thiết bị không chuyên dùng và môi trường không đảm bảo an toàn, dễ rò rỉ gas gặp nguồn nhiệt (lửa trần, tia lửa điện, hút thuốc…) gây cháy, nổ.

4. Bình gas không cố định chặt: Trong quá trình vận chuyển đặt bình không thẳng đứng, không đúng quy phạm, bị va đập, gây rò rỉ gas, gặp nguồn lửa gây cháy; Bình gas sử dụng trên các phương tiện di động như tàu hỏa, ghe, tàu, thuyền không được cố định chặt, dây dẫn bị hở, gas thoát ra ngoài gặp nguồn lửa gây cháy.

Vì thế để hạn chế tai nạn đáng tiếc, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy khuyến cáo mọi người dân nên thường xuyên kiểm tra và vệ sinh bếp, ống dẫn, van bình, van điều áp… để kịp thời phát hiện, thay mới các tình trạng hư hỏng, nứt vỡ.

Bên cạnh cần lưu ý một số quy tắc sau:

- Chỉ sử dụng các thiết bị và bình gas có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm định an toàn của cơ quan chức năng. Không sử dụng bình gas mini (loại sử dụng một lần đã được nạp sạc lại).

- Không đặt bếp gas trong phòng kín vì nếu có rò rỉ thì hơi gas không thoát ra ngoài được; trong và trên khu vực để bình gas, bếp gas không nên đặt bàn thờ cúng.

- Tại bếp nấu cần được trang bị bình bột chữa cháy loại 8 kg hoặc bình khí CO2 loại 5 kg.

- Tránh lắp đặt hệ thống sử dụng gas ở gần các nguồn lửa khác như: bếp than, bếp củi, bếp điện, cầu dao điện…

- Thường xuyên kiểm tra, tránh để bếp bị tắt lửa (do gió lùa, nước trào) mà gas vẫn thoát ra.

- Không sử dụng dao, kéo để chặt, cắt chế biến món ăn trên hoặc bên cạnh ống dẫn, bình gas vì có thể gây đứt, rách ống dẫn làm rò rỉ gas.

- Chọn bình và các thiết bị sử dụng gas đúng quy cách: bếp phải bảo đảm chất lượng (van phải kín, không tắc, không rò rỉ gas…); van điều áp phải hoạt động tốt; ống dẫn phải là ống chuyên dùng cho gas chịu áp suất cao; các đầu nối ống dẫn vào thiết bị phải được xiết chặt bằng vòng đai kẹp ống.

- Tuyệt đối không dùng lửa để phát hiện rò rỉ gas, chỉ có thể kiểm tra nơi nghi ngờ rò rỉ bằng nước xà phòng.

- Trong bếp nên để bảng nhắc nhở “kiểm tra tắt hoàn toàn hệ thống sử dụng gas trước khi ra khỏi bếp” ở chỗ dễ thấy nhất.

- Lắp đặt hệ thống báo rò rỉ gas, hệ thống báo cháy an toàn và thiết bị tự ngắt khi gas rò rỉ (van an toàn);

Riêng đối với bình gas mini cần chú ý thêm:

- Trước khi mua cần kiểm tra trọng lượng của bình để đảm bảo thể tích đúng tiêu chuẩn cho phép. Không dùng bình gas sang chiết lại mà nên mua bình mới để đảm bảo an toàn.

- Không dùng bếp quá cũ vì rỉ sét. Nên lau rửa bếp thường xuyên để tránh cặn bã thức ăn bám vào trong quá trình đun nấu dễ gây tắc nghẽn ống dẫn gas, van... Không nên dùng nồi lớn đun trên bếp mini vì ngọn lửa sẽ trùm xuống bình gas dễ gây cháy.

- Không nên đun lâu và liên tục trong thời gian dài vì nhiệt độ của lửa khiến cho áp suất trong bình gas tăng lên khiến dễ xảy ra cháy nổ.

Trong quá trình sử dụng gas phải thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện có rò rỉ gas phải thực hiện các thao tác sau :

- Tắt ngay bếp và các nguồn lửa khác xung quanh khu vực đặt bình. Chú ý không đóng hoặc ngắt các công tắc, thiết bị điện để tránh phát sinh tia lửa.

- Đóng ngay van bình gas.

- Quạt thông gió để phát tán làm giảm nồng độ hơi gas. Có thể bằng việc mở các cửa, thông gió nhân tạo an toàn hoặc sử dụng bình khí CO2, N2 để làm loãng.

- Tìm chỗ rò bằng cách quét nước xà phòng (tuyệt đối không dùng ngọn lửa để thử).

- Bịt chặt chỗ rò, có thể bằng cách trát xà phòng vào chỗ rò sau đó quấn băng keo hoặc dùng dây cao su buộc chặt lại.

- Nếu không khắc phục được rò rỉ cần mang ngay bình ra nơi trống an toàn, thoáng gió, xa cống rãnh, xa nguồn lửa và khu dân cư.

- Cảnh giới cấm lửa tại khu vực bình rò rỉ, thông báo cho các cửa hàng, đại lý hoặc các cơ quan PCCC biết để có biện pháp xử lý.

Gas là loại khí tiện dụng nhưng cũng là một con dao hai lưỡi . Chính vì vậy, hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng loại khí này, đồng thời tuân thủ chặt chẽ các quy định an toàn về gas để tránh xảy ra tai nạn".

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây