Theo đó, về quan điểm, cần thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, hải đảo, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong công cuộc bảo vệ biển, đảo và phát triển bền vững kinh tế biển. Đồng thời bảo đảm hiệu quả công tác truyền thông, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, gắn với thực tiễn; đổi mới và đa dạng hóa nội dung, phương pháp truyền thông. Bên cạnh đó, huy động mọi nguồn lực thực hiện công tác truyền thông về biển và đại dương; tạo sự phối hợp hiệu quả, sự tham gia chủ động, tích cực của các cơ quan liên quan.
Mục tiêu đặt ra đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, phát triển bền vững kinh tế biển cần được hiểu đúng, đầy đủ và toàn diện, từ đó củng cố niềm tin, sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Thông tin, kiến thức về biển và đại dương cần được truyền tải thường xuyên, liên tục, chính xác và hấp dẫn; nhận diện và bác bỏ thông tin sai lệch, quan điểm sai trái, xuyên tạc về biển và đại dương; người dân có hiểu biết về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển và đại dương trong mọi lĩnh vực chính trị - kinh tế - xã hội nhằm chủ động, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ biển và đại dương. Nội dung và hình thức truyền thông được đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa; công tác truyền thông được triển khai hiệu quả, toàn diện và có tính đột phá.
Đến năm 2023, các bộ quản lý 06 ngành kinh tế biển được xác định trong Nghị quyết số 36-NQ/TW (du lịch và du lịch biển, kinh tế hàng hải, khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác, nuôi trồng và khai thác hải sản, công nghiệp ven biển, năng lương tái tạo và các ngành kinh tế biển mới); các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Ngoại giao, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và xã hội, Tư pháp, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên và Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc xây dựng, phê duyệt các kế hoạch truyền thông về biển và đại dương với các chỉ tiêu cụ thể theo đặc thù truyền thông của cơ quan, địa phương đó.
Đến năm 2025, 100% các cơ quan báo chí trung ương và địa phương, báo đối ngoại có chuyên trang, chuyên mục về biển và đại dương trên các sản phẩm thông tin của cơ quan; 100% các bộ, ngành có liên quan đến quản lý nhà nước về biển và hải đảo, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có chuyên mục về biển và đại dương trên trang thông tin điện tử của cơ quan. Hàng năm, các địa phương có biển cần tổ chức các hoạt động cụ thể hưởng ứng Tuần lễ Biển và hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương Thế giới và báo cáo kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Chương trình được thực hiện đến năm 2030 trong phạm vi toàn quốc, trong đó ưu tiên 28 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển; tại một số quốc gia có đông người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập; các quốc gia có quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam. Nội dung chính bao gồm tập trung truyền thông chính sách và pháp luật có liên quan đến biển, hải đảo; vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển và đại dương; quyền và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông; tài nguyên, môi trường biển, hải đảo; phát triển bền vững kinh tế biển.
Quyết định của Thủ tướng đặt ra 8 nhiệm vụ và giải pháp gồm có:
(1) Đánh giá, rà soát, điều chỉnh và ban hành mới các chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch đề án, dự án truyền thông có liên quan đến biển và đại dương bảo đảm phù hợp với các Nghị quyết của Đảng và Chương trình này.
(2) Thực hiện đổi mới, đa dạng hóa hình thức và nội dung truyền thông về biển và đại dương.
(3) Tăng cường hợp tác và truyền thông quốc tế về biển và đại dương.
(4) Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông về biển và đại dương.
(5) Đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông, huy động mọi nguồn lực và phát huy sức mạnh tổng hợp vào công tác truyền thông.
(6) Khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức cá nhân; ngăn chặn, xử lý kịp thời thông tin sai lệch.
(7) Tăng cường kiểm tra, giám sát và phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động truyền thông.
(8) Thực hiện theo danh mục một số đề án, dự án, nhiệm vụ nhằm triển khai thực hiện Chương trình nêu trong Phụ lục kèm theo Quyết định này. Ngoài ra, các cơ quan liên quan chủ động đề xuất, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng nhu cầu, tình hình thực tiễn và phù hợp với quy định hiện hành.
Về việc tổ chức thực hiện, Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ đạo toàn diện việc tổ chức triển khai Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030. Định kỳ trước ngày 15/12 hàng năm, các bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giao nhiệm vụ tại Quyết định này gửi báo cáo kết quả thực hiện Chương trình về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong danh mục đề án, dự án, nhiệm vụ nhằm triển khai thực hiện Chương trình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao chủ trì “Dự án xây dựng Bảo tàng chuyên về biển và đại dương” và “Kế hoạch/dự án truyền thông phát triển bền vững du lịch và dịch vụ biển”.
Nguồn: baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn